Nhìn vào hai hàng chữ tiếng Việt, chúng ta thấy hàng chữ Quốc ngữ ngày nay trông đơn giản hơn hàng chữ Nôm mà tổ tiên chúng ta đã từng dùng rất nhiều. Nhưng hàng chữ Quốc ngữ diễn tả âm thanh hay cách phát âm của ngôn ngữ, trong khi hàng chữ Nôm cho chúng ta thấy sự diễn tả ý nghĩa (tượng hình) của ngôn ngữ. Đó là hai đặc điểm khác biệt cơ bản nhất của hệ thống chữ La Tinh (biểu âm) và hệ thống chữ Hán (biểu hình).
Ngày nay, sau hơn một thế kỷ chúng ta chính thức dùng chữ Quốc ngữ (hệ thống phiên âm chữ La tinh) để viết tiếng Việt thay thế hoàn toàn cho hệ chữ Hán Nôm, chữ viết của chúng ta trở thành chữ viết rất dễ nhớ và dễ học. Tuy nhiên chính việc dùng chữ Quốc ngữ và ngừng dạy chữ Hán Nôm sau một khoảng thời gian dài đã càng làm cho tiếng Việt của chúng ta ngày càng xa rời cội nguồn của nó. Tiếng Việt của chúng ta có cội nguồn từ hệ thống chữ viết tượng hình nằm trong khối Hán văn (bao gồm Trung Quốc, Nhật, Triều Tiên và Việt Nam), và cũng là một thứ ngôn ngữ có khá nhiều từ đồng âm dị nghĩa mà vốn dĩ trước kia chúng ta dùng hệ thống chữ Hán Nôm để phân biệt. Ngày nay dùng chữ Quốc ngữ, sự phân biệt này thường thông qua văn cảnh. Tuy nhiên, nếu so sánh với nguồn gốc của từ ngữ trong tiếng Việt thì chúng ta có thể liệt kê ra nhiều từ được viết bằng chữ Quốc ngữ được hiểu sai và dùng sai, và khi dùng nhiều trở thành thông dụng và đương nhiên những từ sai cũng được chấp nhận và đưa vào trong vốn từ vựng tiếng Việt hiện đại. Hệ thống chữ Hán là chữ tượng hình dùng để viết lên thứ ngôn ngữ theo lối diễn tả hình tượng và ý nghĩa. Trong khi hệ thống chữ viết theo mẫu tự La Tinh biểu diễn âm thanh, qua âm thanh chúng ta mới hiểu được ý nghĩa. Theo tôi nghĩ, mỗi một thứ chữ viết có những ưu nhược điểm khác nhau. Nếu chữ viết của chúng ta ngày nay dùng hệ phiên âm chữ La tinh có ưu điểm là dễ nhớ dễ học, nhưng lại có nhược điểm là chỉ nhằm cấu tạo phần âm thanh mà không làm nổi bật được đặc tính cấu tạo hình ảnh và nghĩa. Còn chữ Hán, và chữ Nôm của Việt Nam, tuy phức tạp nhưng lại diễn tả được phần nghĩa và giải quyết được phần lớn hiện tượng các từ đồng âm dị nghĩa vốn có rất nhiều trong ngữ vựng của các ngôn ngữ khối Hán văn.
Giúp Đọc Nôm Và Hán Việt
NXB Đà Nẵng 2004
Trần Văn Kiệm
918 Trang
File PDF-SCAN
0 Nhận xét
⛔️ Vui lòng để lại phản hồi nếu file sách bị lỗi, hoặc bình luận tên sách quý anh chị cần tìm. Dân tộc KING sẽ khắc phục file lỗi và cố gắng tìm sách giúp quý anh chị. Chân thành cảm ơn!
🙏🙏🙏