57. 巽 為 風 TỐN VI PHONG
BÁT THUẦN TỐN
Tốn Tự Quái | 巽 序 卦 |
Lữ nhi vô sở dung. | 旅 而 物 所 容 . |
Cố thụ chi dĩ Tốn. | 故 受 之 以 巽 . |
Tốn giả nhập dã. | 巽 者 入 也 |
Tốn Tự Quái
Lữ mà chẳng chốn đường vào.
Lữ mà chẳng có chốn nào dung thân.
Cho nên Tốn mới theo chân,
Tốn vào, vả lại có phần sướng vui.
Sau quẻ Lữ là quẻ Tốn, vì lẽ rằng khi cô thân, chích ảnh nơi quê người, khi lữ thứ, tha hương, mà không có chốn dung thân, thời phải từ tốn, mềm mỏng, khéo léo, mới có thể gây được cảm tình, mới chinh phục được lòng người.
Tốn có nhiều nghĩa: *Cây, *Gió, *Mệnh lệnh, *Mềm mại, *Từ tốn, *Xâm nhập, *Lọt vào v.v ...
Nơi quẻ Tốn này, ta thấy Kinh, Truyện, và các lời Bình Giải, đều đề cập đến các nghĩa trên; ngoại trừ nghĩa Tốn là Cây. Gió thổi ra muôn phương, làm cây cỏ rạp theo chiều. Mệnh lệnh truyền ra muôn phương, làm dân chúng phải hoạt động theo chiều hướng, và ý muốn của nhà vua. Vì thế Tốn vừa là Gió, vừa là Mệnh Lệnh.
Ta có thể ảnh hưởng đến người, bắt người theo ý mình, bằng những đường lối dã man, tàn bạo, nhưng ta có thể ảnh hưởng đến người, khiến người theo ý mình, bằng đường lối mềm mại, khéo léo, ngon ngọt, dỗ dành, bằng cách nói đi, nói lại một ý tưởng. Quẻ Tốn có ý dạy ta dùng cách thẩm thấu từ tốn này.
I. Thoán.
Thoán từ.
巽 . 小 亨 . 利 有 攸 往 . 利 見 大 人 .
Tốn. Tiểu hanh. Lợi hữu du vãng. Lợi kiến đại nhân.
Dịch.
Tốn là từ tốn nhẹ nhàng,
Nhỏ nhoi, nhưng vẫn có đàng hanh thông.
Làm gì cũng lợi, chẳng không,
Đại nhân gặp được, mới mong lợi nhiều.
Từ tốn mà hành sự, sẽ không thâu lượm được kết quả mạnh mẽ, nhãn tiền (Tốn. Tiểu hanh), nhưng sẽ giúp ta nên công lâu dài (Lợi hữu du vãng). Nhất là khi sự từ tốn, mềm dẻo, lại được một người giỏi giang đem áp dụng (Lợi kiến đại nhân). Nã Phá Luân cai trị nước Pháp, sau thời kỳ Cách Mạng 1789, một thời kỳ nổi tiếng là bài xích quân quyền và Đạo Giáo. Nã Phá Luân biết đó là nền móng chia rẽ, và loạn lạc trong nước, nên ông hết sức khéo léo để hàn gắn lại những sự rạn nứt, đổ vỡ ấy.
Ông chỉ trích những đạo luật Cách Mạng quá khích. Ông khen những người theo phái Cần Vương, vì đã dám chống lại một chính quyền hà hiếp, áp chế. Ông cho lập lại Công giáo ở Pháp, và ký thỏa ước với Giáo Hoàng. Nhờ cách xử trí khéo léo đó, mà ngày lễ Phục Sinh 18/4/1802, khi ông tới nhà thờ Notre Dame de Paris, Hồng Y Giáo chủ Belloy đã ra đón mừng ông, và các chuông trên nhà thờ đều được kéo vang lừng để đón chào ông, đánh dấu một sự cộng tác thành thực giữa Đạo giáo và Chính quyền.
Ngự Án giải Tốn là xâm nhập. Tốn có hai Hào Dương trên một Hào Âm. Thế là Dương thâm nhập vào Âm để đánh tan ảnh hưởng xấu của Âm, có vậy Âm Dương mới hòa hợp với nhau được.
-Trên trời thì gió lùa vào mây để đánh tan mây mù.
-Nơi con người thì cố đi sâu vào lòng người, để cố tìm hiểu mọi nỗi uẩn khúc, tà vậy, mà sửa chữa.
-Trong xã hội, thì len lỏi vào các gian đảng, vào các tệ đoan để mà hoá giải, khử trừ v.v...
Ta ghi nhận ý kiến của Ngự Án, nhưng vẫn tiếp tục giải Tốn là Từ tốn. Tóm lại:
-Từ Tốn là phương pháp để lấy lòng người.
-Tốn cũng có nghĩa là Tiểu nhân phục tòng Quân tử.
-Tốn cũng có nghĩa là thâm nhập để chinh phục lòng người dần dà, để cải hoá dần dà phong tục xã hội.
Thoán Truyện. Thoán viết.
彖 曰 . 重 巽 以 申 命 . 剛 巽 乎 中 正 而 志 行 . 柔 皆 順 乎 剛 .
是 以 小 亨 . 利 有 攸 往 .利 見 大 人 .
Trùng Tốn dĩ thân mệnh. Cương Tốn hồ trung chính nhi chí hành. Nhu giai thuận hồ cương. Thị dĩ tiểu hanh. Lợi hữu du vãng. Lợi kiến đại nhân.
Dịch.Thoán rằng:
Trên truyền mệnh lệnh, dưới theo,
Đinh ninh, trân trọng đâu người dể duôi,
Cương, nhưng theo đúng lẽ trời,
Nhu, nhưng biết thuận theo người đức cương.
Thế thời hanh vận, có đường,
Làm gì, âu cũng có phương thành toàn.
Đại nhân gặp được mới ngoan,
Đại nhân gặp được, mới mang lợi nhiều.
Trên dưới đều Tốn (Trùng Tốn). Người trên khi ra mệnh lệnh cũng lắp đi lắp lại, để mệnh lệnh thực sự thâm nhập vào dân chúng (Thân mệnh). Chữ Thân có nghĩa là lắp đi, lắp lại. Càng nhắc đi, nhắc lại bao nhiêu, thì càng minh tâm, khắc cốt bấy nhiêu. Đạo giáo đã áp dụng định luật này, khi dạy dân tụng niệm, và chính trị ngày nay đã áp dụng định luật này, để tạo nên những phản ứng có điều kiện, mà như là phản ứng tự nhiên trong dân chúng.
Trong quẻ Tốn, Nhị, Ngũ, đều là Dương cương, lại đắc trung; Sơ, Tứ đều là Âm nhu. Xét bản chất quẻ, ta thấy trên thì thuận theo nghĩa lý, dưới thì tùng phục cấp trên (Cương tốn hồ trung nhi chí hành. Nhu giai thuận hồ cương). Dùng phương cách mềm dẻo để hoán cải dân tình kết quả sẽ chậm chạp (Thị dĩ tiểu hanh), nhưng hãy cứ đường lối ấy mà thi hành, sẽ thâu hoạch được lợi ích dài lâu (Lợi hữu du vãng). Nếu gặp được người hay, người giỏi để thực thi chính sách trên, thì lại càng hay, càng tốt nữa (Lợi kiến đại nhân).
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰 .隨 風 . 巽 . 君 子 以 申 命 行 事 .
Tượng viết.
Tùy phong. Tốn. Quân tử dĩ thân mệnh hành sự.
Dịch. Tượng rằng:
Tốn là gió thổi theo nhau,
Lệnh truyền thấm thía, cho sâu mới tình.
Rồi ra lại phải thi hành,
Thi hành chính sự, hoàn thành mới thôi.
Gió theo nhau là Tốn. Quân tử theo gương đó, quảng bá mệnh lệnh bằng cách nhắc đi, nhắc lại để ghi tạc vào lòng dân, như vậy mới thực thi được chính sự.
Đọc Thoán và Truyện ta thấy Dịch chủ trương dùng phương pháp Tiệm tiến và thẩm thấu để ảnh hưởng đến thiên hạ.
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
Hào từ giải thích thế nào là từ tốn:
-Từ tốn không phải là do dự (Hào Sơ).
-Từ tốn không phải là khúm núm (Hào Nhị)
-Từ tốn không phải là ba phải, vô lập trường (Hào 3).
-Từ tốn là khéo léo, được lòng cả trên, lẫn dưới, mà mình vẫn hay, vẫn lợi (Hào 4).
-Từ tốn nhưng vẫn theo chính lý, hoạt động vẫn có phương sách, có chủ trương, có chuẩn bị, có kiểm soát để đi đến thành công (Hào 5).
-Từ tốn thái quá sẽ trở nên hèn hạ, sẽ tai hại (Hào 6).
1. Hào Sơ lục.
初 六 . 進 退 . 利 武 人 之 貞 .
象 曰 . 進 退 . 志 疑 也 . 利 武 人 之 貞 . 志 治 也 .
Sơ Lục.
Tiến thoái. Lợi vũ nhân chi trinh.
Tượng viết:
Tiến thoái. Chí nghi dã. Lợi vũ nhân chi trinh. Chí trị dã.
Dịch.
Dùng dằng, chẳng biết tiến lui,
Võ biền, từ tốn vậy thời lại hay
Tượng rằng:
Dùng dằng, chẳng biết tiến lui,
Là vì tâm trí pha phôi, nghi nàn,
Võ biền cương trực, thời ngoan,
Là vì tâm trí vững vàng, bình an.
Sơ Lục Âm nhu, lại ở dưới hết quẻ Tốn, nên khiến ta liên tưởng đến một người nghi nan do dự. Nhưng từ tốn không phải là do dự, là tiến thoái lưỡng nan (Tiến thoái). Phải chi một người vũ biền thay vì quá hăng hái, bốp chát, sống sượng, mà biết pha một chút ít từ tốn, thời hay biết mấy (Lợi vũ nhân chi trinh).
Tóm lại từ tốn không phải là do dự, mà chính là quả quyết.
Đây Tượng giải thích rõ:
Tiến thoái là lòng nghi nan do dự.
Lợi vũ nhân chi trinh là lòng quả quyết chắc chắn. Từ tốn đây là Tiên lễ hậu binh của các nhà lãnh đạo.
Nã Phá Luân nói với Roederel: Khi lập một dự án quân sự, thì không ai nhát gan hơn tôi. Tôi thổi phồng tất cả những nguy hiểm. Nhưng khi đã quyết định, thì quên hết mọi sự, chỉ cốt làm sao thực hiện được dự án đó mà thôi.
2. Hào Cửu nhị.
九 二 . 巽 在 床 下 . 用 史 巫 紛 若 . 吉 . 無 咎 .
象 曰 . 紛 若 之 吉 .得 中 也 .
Cửu nhị.
Tốn tại sàng hạ. Dụng sử vu phân nhược. Cát. Vô cữu.
Tượng viết:
Phân nhược chi cát. Đắc trung dã.
Dịch.
Tốn mà nép xuống dưới giường,
Dùng đồng, dùng cốt mấy phường lăng nhăng.
Nếu vì cầu đảo thành tâm,
Thế thời cũng tốt, chẳng lầm lỗi chi
Tượng rằng:
Lăng xăng, mà vẫn gặp lành,
Là vì tâm chính, ý thành hẳn hoi.
Cửu nhị. Từ tốn không phải là khúm núm (Tốn tại sàng hạ). Sự khúm núm chỉ có thể chấp nhận được, là khi đem tâm thành van vái thần minh, hoặc dùng các thầy bùa, thầy cúng đông đảo để nhương tai, cầu phúc (Dụng sử vu phân nhược). Sử là thầy cúng, Vu là thầy bùa. Phân nhược là nhiều, là đông.
Cái hay ở đây là vì đã đem hết lòng thành khẩn để mà cảm động được thần minh (Phân nhược chi cát. Đắc trung dã).
Ngự Án giải Hào nhị như sau: Sàng hạ nghĩa là Âm tà, Âm nấp phía dưới, nên Nhập ư sàng hạ chính là tìm tòi, suy xét kỹ càng, để tìm ra duyên do thầm kín của những chếch mác dở dang, hoạ hại bên ngoài. Khi đã tìm ra duyên do rồi sẽ dùng các thầy bùa, thầy pháp hoá giải.
Đại khái chủ trương của Ngự Án cũng giống như chủ trương của Freud: Các căn do thầm kín của hoạ hại, một khi đã tìm ra được, đã đem phơi bầy ra ánh sáng, thì nó không gây được ảnh hưởng nữa.
Wilhelm, R.G.H.Siu, Legge giải giống Ngự Án. Tôi (tác giả) chủ trương bình giải theo lối cũ, vì như vậy mới ăn khớp với toàn quẻ.
3. Hào Cửu tam.
九 三 . 頻 巽 . 吝 .
象 曰 . 頻 巽 之 吝 . 志 窮 也 .
Cửu tam.
Tần tốn. Lận.
Tượng viết:
Tần tốn chi lận. Chí cùng dã.
Dịch.
Thuận tòng lia lịa, chẳng hay.
Tượng rằng:
Thuận tòng lia lịa, chẳng hay,
Chí cùng, mới đến nỗi này mà thôi.
Cửu tam. Tần tốn là từ tốn nhiều lần, nhượng bộ nhiều lần, như vậy đáng xấu hổ. Từ tốn đâu phải là không có lập trường. Cái dở của Hào này, chính là mới đầu thì ngông nghênh tự thị, sau vì thất bại liên miên, nên lại trở nên nhũn nhặn quá cỡ như vậy, chính là cùng đường chẳng biết xử trí ra sao (Tần tốn chi lận. Chí cùng dã).
4. Hào Lục tứ.
六 四 . 悔 亡 . 田 獲 三 品 .
象 曰 . 田 獲 三 品 . 有 功 也 .
Lục tứ.
Hối vong. Điền hoạch tam phẩm.
Tượng viết:
Điền hoạch tam phẩm hữu công dã.
Dịch.
Việc gì mà phải phàn nàn,
Đi săn mà được, sẻ san ba phần.
Tượng rằng:
Đi săn mà được ba phần,
Công danh như vậy, tưng bừng còn chi.
Lục tứ là Âm Hào cư Âm vị, cho nên khéo xử, biết đường từ tốn, nhún nhường cho phải phép, vì thế nên khỏi mọi điều hối hận, phàn nàn (Hối vong), chẳng những thế mà còn nên công, nên việc nữa, chẳng khác nào người đi săn mà được cả ba phần muông chim, thế tức là hay, là lợi nhiều. Người xưa, chia muông chim săn được thành ba phần:
- 1 phần dùng để tế lễ.
- 1 phần dùng để thết đãi tân khách.
- 1 phần dùng để cung cấp cho bếp núc.
Tượng Truyện giải: Từ tốn phải phép như vậy mới nên công (Điền hoạch tam phẩm hữu công dã).
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 . 貞 吉 . 悔 亡 . 無 不 利 . 無 初 有 終 .
先 庚 三 日 . 后 庚 三 日 . 吉 .
象 曰 . 九 五 之 吉 . 位 正 中 也 .
Cửu ngũ.
Trinh cát. Hối vong. Vô bất lợi. Vô sơ hữu chung.
Tiên canh tam nhật. Hậu canh tam nhật. Cát.
Tượng viết:
Cửu ngũ chi cát. Vị chính trung dã.
Dịch.
Một lòng trung chính, mới hay
Phàn nàn, hối hận, từ nay chẳng còn.
Làm gì cũng được vuông tròn,
Rồi ra, lợi ích thành toàn, xong xuôi.
Không đầu, nhưng lại có đuôi,
Thủy thời vô thủy, chung thời hữu chung.
Lo lường, tính chuyện, tính công,
Ba ngày sau trước, mới mong tốt lành.
Tượng rằng: Cửu ngũ mà hay,
Là vì trung chính, thẳng ngay một lòng.
Cửu ngũ đắc trung, đắc chính, nên là người từ tốn, mềm mỏng một cách khéo léo nhất, vì thế nên được mọi sự may mắn, lợi lộc, không có gì phải phàn nàn.(Trinh cát. Hối vong. Vô bất lợi).
Cửu ngũ trong quẻ Tốn, không chủ trương Cách mạng, xoá bỏ mọi cơ cấu tiền chế, mà chỉ cải thiện lại một tình trạng đang suy đồi, là nối tiếp công trình của tiền nhân, bổ khuyết, cải thiện, chấn chỉnh, mong làm cho công trình ấy trở nên thành toàn, vì thế nói: Vô sơ hữu chung.
Vô sơ là không có khởi điểm, vì Cửu ngũ đây không phải người khai sơn, phá thạch, tạo dựng nên một cơ đồ, nhưng hữu chung là có chung điểm, vì với sự khéo léo, nhưng bền bỉ, Cửu ngũ đây hy vọng thành toàn được công trình còn dang dở. Nhưng trước khi bắt tay vào công trình cải thiện, và sau khi đã thực hiện công trình cải thiện, càng phải thận trọng. Trước khi muốn cải thiện, phải soạn thảo chương trình kế hoạch cho hẳn hoi, sau khi đã thực hiện công trình cải thiện, phải biết kiểm điểm, theo rõi (Tiên canh tam nhật. Hậu canh tam nhật. Cát).
Vậy, mọi sự được hẳn hoi, là vì Củu ngũ xử sự đàng hoàng, đứng đắn (Cửu ngũ chi cát. Vị chính trung dã).
6. Hào Thượng Cửu.
上 九 . 巽 在 床 下 . 喪 其 資 斧 . 貞 凶 .
象 曰 . 巽 在 床 下 . 上 窮 也 . 喪 其 資 斧 . 正 乎 凶 也 .
Thượng Cửu.
Tốn tại sàng hạ. Táng kỳ tư phủ. Trinh hung.
Tượng viết:
Tốn tại sàng hạ. Thượng cùng dã. Táng kỳ tư phủ. Chính hồ hung dã.
Dịch.
Tốn mà nép xuống dưới giường,
Mất rìu, mất của mọi đường chẳng hay,
Thế mà chẳng đổi, chẳng thay.
Tượng rằng:
Tốn là nép xuống dưới giường,
Thế là ti tốn, cùng đường còn chi.
Cả rìu, lẫn của mất đi.
Dầu rằng trinh chính, vẫn thì là hung.
Từ tốn quá hóa hỏng (Tốn tại sàng hạ). Phán đoán không còn được sáng suốt, rành rẽ, và sẽ mất cả của cải. (Táng kỳ tư phủ). Tư là tiền nong, Phu là búa rìu, tượng trưng cho sự phán đoán, quả quyết. Như vậy, dầu có chính trực cũng chẳng ra gì. Từ tốn thái quá, đến nỗi mất cả sự nghiệp, thì chắc là hung rồi, còn gì nữa (Tốn tại sàng hạ. Thượng cùng dã. Táng kỳ tư phủ. Chính hồ hung dã).
Tóm lại, quẻ Tốn dạy ta phải Từ tốn để được lòng người, để ban bố mệnh lệnh, để thi hành chính sự, và chủ trương rằng Từ tốn đúng mức, chính là xử sự tế nhị, khéo léo, vừa được lòng người, vừa được việc mình.
Ngự Án (Vua Khang Hy) trong khi bình giải quẻ Tốn, đã đưa ra những ý kiến hết sức đáng lưu ý. Đó là:
1. Cần đi sâu vào tâm tư, để tìm cho ra những căn do thầm kín của những ảnh hưởng xấu. Chủ trương này, làm ta liên tưởng tới phương pháp phân tâm học của Freud.
2. Cần len lỏi vào các gian đảng, và các tệ đoan xã hội, để biết cách khử trừ chúng. Chủ trương này làm ta liên tưởng đến những hoạt động của những phóng viên, của những tổ chức an ninh chìm nổi ngày nay.
3. Cần phải đi sâu vào các vấn đề, để khai thác và tìm hiểu. Nhưng nếu suy tư, và cân nhắc quá, sẽ đâm rối rít, nghi nan, không còn quyết tâm thực hiện được nữa.
Những lời bình của Ngự Án, có thể giúp ích cho ta hiểu thêm được chuyện đời, và tổ chức xã hội.
ÁP DỤNG QUẺ TỐN VÀO THỜI ĐẠI
Tốn là Gió, là Lọt vào, là Từ tốn. Nho giáo xưa sánh ảnh hưởng người quân tử, như là Gió, còn tiểu nhân như là Cỏ. Gió thổi thì cỏ phải lướt theo chiều (L. N. XII, 19)
1). Xưa, Vua Khang Hi ưa giải Tốn là Lọt vào, và ưa dùng quẻ Tốn như là cho người xâm nhập vào lòng các đảng phái, để biết lề lối làm việc của họ, và biết cách hoá giải họ.
2). Ngày nay, ta dùng phương pháp quảng cáo, tuyên truyền, nhắc đi nhắc lại trong dân chúng, để đi vào sự chú ý của họ, rất có hiệu lực, nhất là làm thương mại
3). Từ tốn để dung hòa trên dưới, rất cần trong mọi hoàn cảnh, cho các nhà chính trị, cho các cấp lãnh đạo trong chính quyền., để tránh độc tài chuyên chế áp bức dân chúng.
4). Dùng chính sách mềm dẻo, từ tốn để sửa sang lại những thói hư, tật xấu của xã hội. Sống từ tốn cho đúng cách cũng là một chuyện khó vậy.
Như vậy, ta thấy áp dụng Dịch có nhiều cách, càng rộng rãi, khéo léo, thời càng hay, càng tốt.
Nguồn: www.nhantu.net
0 Nhận xét
⛔️ Vui lòng để lại phản hồi nếu file sách bị lỗi, hoặc bình luận tên sách quý anh chị cần tìm. Dân tộc KING sẽ khắc phục file lỗi và cố gắng tìm sách giúp quý anh chị. Chân thành cảm ơn!
🙏🙏🙏