📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

Quẻ 63: Thủy Hỏa Ký Tế (水 火 既 濟)

63. 水 火 既 濟  THỦY HỎA KÝ TẾ  

 

Ký Tế Tự Quái

既 濟 序 卦

Hữu quá vật giả tất tế.

有 過 於 物 必 濟

Cố thụ chi dĩ Ký Tế.

故 受 之 以 既 濟

 

Ký Tế Tự Quái

Nếu như xuất chúng, hoàn thành có phen.

Cho nên Ký Tế tương liên.  

 

Sau quẻ Tiểu Quá là quẻ Ký Tế, vì hễ mình có cái gì hơn người, rồi ra sẽ giúp được người, sẽ làm nên chuyện.

- Ký Tế có nghĩa là Công việc đã hoàn thành,là Tình hình đã ổn định. Y thức như đã vượt qua được con sông lớn.

-Ký Tế là Thủy Hỏa giao nhau, giúp nhau để làm nên công trình: nước ở trên, lửa ở dưới, thời lửa sẽ đun sôi được nước.

-Hơn nữa, Ký Tế là quẻ duy nhất trong 64 quẻ Dịch, có các Hào Âm, Dương tương ứng với nhau, và đúng vị trí của nó.

-Ký Tế còn là quẻ 63 gợi lên ý nghĩa rằng, vũ trụ biến thiên, thế giới biến thiên, vạn hữu biến thiên. Cuối cùng phải đi tới một chung cuộc tốt đẹp.

Muốn giải quẻ Ký Tế, ta chỉ cần hiểu Ký Tế là khi tình thế đã ổn định, như vậy sẽ biết được tình hình, thời cuộc, và cách xử sự của mỗi một hạng người trong quẻ này. 

I. Thoán.

Thoán từ.

既 濟 .  . 小利 貞 . 初 吉 終 亂 .

Ký Tế. Hanh tiểu. Lợi trinh. Sơ cát chung loạn.

Dịch.

Ký Tế là lúc đại thành,

Bây giờ đại sự đã hanh thông rồi.

Lo tròn những việc nhỏ nhoi,

Bền lòng, giữ vững cơ ngơi mới tình,

Mới đầu, mọi sự tốt lành,

Sau cùng, có thể điêu linh ly loàn.

 

Ký Tế là thời kỳ ổn định, đại cuộc đã thành toàn, nhưng những tiểu sự, tiểu tiết thì còn vô số để làm, vì thế nói:  Ký Tế. Hanh tiểu. Thời buổi này cũng vẫn còn phải theo con đường minh chính, cũng vẫn phải bền gan trì thủ, mới hay, mới lợi (Lợi trinh). Vả lại, buổi đầu hiện nay thì dĩ nhiên là hay (Sơ cát), nhưng biết đâu cuối cùng lại chẳng loạn ly, lại chẳng nhiễu nhương rối rắm (Chung loạn). 

 

Thoán Truyện. Thoán viết.

彖 曰 . 既 濟 .  . 小 者 亨 也 . 利 貞 . 剛 柔 正  而 位 當 也 . 初 吉 . 柔 得 中 也 .  終 止 則 亂 . 其 道 窮 也 .

Ký Tế. Hanh. Tiểu giả hanh dã. Lợi trinh. Cương nhu chính nhi vị đáng dã. Sơ cát. Nhu đắc trung dã. Chung chỉ tắc loạn. Kỳ đạo cùng dã.

Dịch. Thoán rằng:

Ký Tế là lúc đại thành,

Bây giờ, đại sự đã hanh thông rồi.

Lo tròn những việc nhỏ nhoi.

Rồi ra sẽ được vẹn mười hanh thông.

Bền gan, minh chính một lòng,

Rồi ra công việc mới mong lợi nhiều.

Cương nhu, hợp chỗ, hợp chiều,

Vị ngôi đâu đấy, đủ điều hẳn hoi.

Mới đầu, mọi việc êm xuôi,

Là vì nhu được chính ngôi chững chàng.

Sau rồi, thôi chuyện lo toan,

Vì ngừng gắng gỏi, ly loàn lại sinh.

 

Thoán Truyện chỉ hoàn toàn giải thích Thoán Từ:

1. Thế nào là Hanh tiểu?  Hanh tiểu là còn những việc nhỏ phải thực hiện sao cho thông suốt hẳn hoi. Đại cuộc tuy xong, nhưng tiểu tiết còn nhiều điều chếch mác, phải sửa sang lại cho toàn vẹn.  

Các nhà Cách Mạng đều chủ trương như vậy. Sau khi cướp được chính quyền, Staline chủ trương đại khái rằng:

-Cướp chính quyền, mới là bước đầu.

-Giai cấp tư sản tuy bị lật đổ, nhưng vẫn còn mạnh hơn giai cấp vô sản, cho nên cần phải:

-Giữ được chính quyền.

-Củng cố chính quyền.

-Làm  cho chính quyền trở nên hùng mạnh, vô địch.

Muốn đạt được mục phiêu ấy, Vô sản còn 3 việc phải làm là: 

1. Bẻ gẫy sự chống đối của giai cấp Tư sản, Phú nông, đồng thời dẹp tan mọi âm mưu của Tư sản, để cướp lại chính quyền.

2. Tổ  chức binh bị, sắm sanh khí giới, để chống ngoại xâm, và đấu tranh với Đế quốc chủ nghĩa.

Ngoài ra, còn phải giáo dục lại quần chúng, nông dân, địa chủ, công chức, trí thức v . v . . .

Ngự Án thì cho rằng:  Sau khi tình hình đã ổn định, còn có 2 việc phải làm.

1. Chế trị :  Tổ chức công cuộc cai trị.

2. Bảo bang:  Bảo vệ đất nước.

2. Tại sao lại Lợi trinh?  Lợi trinh, vì mọi người đều xứng ngôi, xứng vị (Cương nhu chính nhi vị đáng dã). Xử dụng cho hay, cho phải, vài ba chục người là chuyện dễ, nhưng xử dụng cho hay, cho phải, trăm, ngàn, triệu người trong một nước, không phải là chuyện chơi. Cho nên Ký Tế đòi hỏi một nghệ thuật cao, một công phu dầy vậy.

3. Tại sao Sơ Cát?  Bắt đầu thì tốt, vì lúc bấy giờ mọi người còn đang hăng hái, nhu thuận, văn minh (vì quẻ dưới là Ly), và lại đắc trung (Sơ cát . Nhu đắc trung dã)

4. Tại sao Chung loạn?  Chung loạn vì lòng người đã trở nên ù lì, thích hưởng thụ, an nhàn hơn là cố gắng lao tác (Chung chỉ tắc loạn). Mà đã không cố gắng, đã để cho tình hình trở nên rối rắm, thì làm gì còn được an bình, ổn định và Ký Tế nữa (Kỳ đạo cùng dã).  

II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết.

象 曰 .   水 在 火 上 . 既 濟 . 君 子 以 思 患 而 預  之 .

Thủy Hỏa tại thượng. Ký Tế. Quân tử dĩ tư hoạn nhi dự phòng chi.

Dịch. Tượng rằng:

Lửa dưới, nước trên,

Ấy là Ký Tế, là nên việc rồi,

Người hiền thấy vậy, lo đời,

Đề phòng hoạ hoạn, tương lai mới là ...

 

Ký Tế là lúc Thủy Hỏa tương tế, nhân tình tương hòa,  tương thân, tương trợ. Nhưng chính lúc ấy, Thánh nhân lại dạy quân tử phải lo đề phòng họa hoạn. Chủ trương Cư an, tư nguy, luôn được Dịch kinh và Nho Giáo đề cao.

Có thể nói được Dịch Kinh đề cao chủ trương: Sinh ư ưu hoạn. Tử ư an lạc. Biết lo lắng, biết chịu thương, chịu khó mới sống. Nhơn nhơn du hý, hưởng lạc, cầu an sẽ chết. Đọc quẻ Ký Tế, càng thấy hiện rõ ràng tư tưởng ấy. 

 

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 . 曳 其 輪 . 濡 其 尾 . 無 咎 .

象 曰 . 曳 其 輪 . 義 無 咎 也 .

Sơ Cửu.

Duệ kỳ luân. Nhu kỳ vĩ. Vô cữu.

Tượng viết.

Duệ kỳ luân. Nghĩa vô cữu dã.

Dịch.

E dè thắng bớt bánh xe,

Hồ kia đuôi ướt, ngại bề lội sông.

Thế thời mới khỏi lỗi lầm.

Tượng rằng:

Thắng bớt bánh xe,

Vì không nóng nẩy, hết bề lầm sai.

 

Sơ Cửu. Lúc này là lúc thời cơ mới thuận tiện, hoàn cảnh có mòi dễ dàng, nhưng người quân tử  không phải vì thế mà bớt sự thận trọng thường lệ. Y thức như cái bánh xe, có khi phải bớt thắng lại; hay như con hồ hễ ướt đuôi, thời đâm ngại ngùng, không dám vội sang sông. Xe xuống giốc, mà không thắng, có khi tai nạn. Hồ qua sông, mà không e dè, có khi lâm nguy. Người hành động không phòng bị, có lúc mắc hoạ. (Duệ kỳ luân. Nhu kỳ vĩ. Vô cữu). Sơ hoạt  động, nhưng không nên nóng, như người đi xe, có lúc phải thắng bớt xe lại, như vậy theo lẽ là phải, có gì đáng trách đâu (Duệ kỳ luân. Nghĩa vô cữu dã). 

 

2. Hào Lục nhị.

六 二 .     婦 喪 其 茀 . 勿 逐 . 七 日 得 .

象 曰 .     七 日 得 . 以 中 道 也 .

Lục nhị.

Phụ táng kỳ phất. Vật trục . Thất nhật đắc.

Tượng viết: 

Thất nhật đắc. Dĩ trung đạo dã.

Dịch.

Phu nhân đánh mất rèm xe,

Khỏi tìm, bảy bữa của về lại tay.

Tượng rằng: Bảy bữa được rèm,

Là vì trung chính, giữ nguyên chẳng rời.

 

Lục nhị. Xưa, đàn bà đi xe phải có rèm che. Nay rèm mất, thể theo nghi lễ chẳng nên đi xe, mà cũng chẳng nên chạy đi tìm rèm, vì như vậy còn có thể thống gì. Rèm mất rồi ra lại tìm được. Hào này ám chỉ một công thần có đức, một lương tướng có tài, nhưng vì nay là lúc tình thế đã ổn định rồi, nên tài mình không có chỗ dụng, vua ở trên tỏ ra ơ hờ, không còn vồn vã, không còn cần dùng mình nữa.

Công thần, lương tướng gặp hoàn cảnh này, chớ nên tỏ ra cầu cạnh sự sủng ái của vua, vì như vậy vừa mất thể diện, vừa có thể nguy hiểm đến thân. Hãy đợi thời, có lúc vua lại cần mình, lại triệu vời mình. Người xưa có câu:

Điểu phi tận. Lương cung tàn.

Giảo thố tử. Tẩu cẩu phanh.

Dịch:  

Chim bay mà chết, ná quăng.

Thỏ khôn mà chết, chó săn tàn đời.

Sau khi dẹp xong Hạng Võ, Hán Cao Tổ lập mưu bắt Sở vương Hàn Tín về giam lỏng ở Hàm Dương, lại truất xuống làm Hoài Âm Hầu. Một hôm Bái Công triệu Hàn Tín vào triều để hỏi về khả năng của các tướng tá, cốt là dò xem ý tứ Hàn Tín ra sao?  Khi vui chuyện, Hàn Tín cho rằng Hán Cao Tổ có thể cầm được mười vạn quân, còn riêng ông càng nhiều quân ông càng dễ điều khiển. Có người cho rằng vì Hàn Tín khoe tài như thế, mà sau này Hàn Tín bị giết. Ít lâu sau, Lương Vương Bành Việt, cũng bị Bái Công bắt về phế xuống làm dân, đày đi Ba Thục.

Giữa đường Bành Việt gặp Lã Hậu. Ông năn nỉ Lã Hậu xin can thiệp giúp. Lã Hậu hứa giúp, và khiến Bành Việt theo trở về triều,  Về tới triều, Lã Hậu nói với Hán Vương rằng:  Tha Bành Việt là thả hổ về rừng, cần phải tìm cớ mà giết để trừ hậu hoạn. Thế là chẳng những Bành Việt bị chết chém, mà thi thể còn bị đem làm mắm, để gửi cho chư  tướng. Tóm lại: 

- Có rèm che, phụ nữ mới nên ra ngoài.

- Có sự tin cẩn của vua, lương tướng mới nên hoạt động.

Thất nhật đắc là tại sao?  Tới thời cần đến lương tướng, nhà vua sẽ đổi giọng, đổi thái độ ngay. Tiết Nhân Quí đang bị giam nơi thiên lao. Khi cần người đi Chinh Tây, vua Thái Tông liền truyền thả Tiết Nhân Quí, rồi phong làm Đại nguyên súy như cũ.

Cho nên Tượng Truyện bàn thêm rằng:  Mình gặp lúc thất sủng, cứ xử sự cho phải, rồi ra có ngày cờ lại đến tay. (Thất nhật đắc. Dĩ trung đạo dã).

 

3. Hào Cửu tam.  

九 三 .      高 宗 伐 鬼 方 . 三 年 克 之 . 小 人 勿 用 .

象 曰 .      三 年 克 之 . 憊 也

Cửu tam.  

Cao Tông phạt Quỉ phương. Tam niên khắc chi. Tiểu nhân vật dụng.

Tượng viết: 

Tam niên khắc chi. Bại dã.

Dịch.

Cao Tông, đánh xứ Quỉ Phương,

Ba năm chinh chiến, nhiễu nhương mới rồi.

Tiểu nhân nên gạt ra ngoài,

Viễn chinh, xin chớ dùng người tiểu nhân.

Tượng rằng:

Ba năm mới dẹp được xong,

Thật là mệt mỏi, nhọc lòng lắm thay.

 

Cao Tông phạt Quỉ phương là vua Vũ Đinh nhà Thương đi đánh Hung nô ở phía Bắc. Các vua, khi nội trị đã ổn định, thường tính ch uyện củng cố đất nước, ngăn chặn ngoại xâm, bằng cách đi chinh phục các nước lân bang. Công việc này không có dễ, vua Cao Tông phải mất ba năm mới chinh phục được Hung Nô (Cao Tông phạt Quỉ phương. Tam niên khắc chi).

Ngày nay, khi mà thế cuộc không cho phép ngoại xâm, thì các nhà lãnh đạo lo liên minh với các nước láng giềng. Dịch khuyên không nên dùng Tiểu nhân để chinh phục hay cai trị, vì tiểu nhân là mầm phiến loạn (Tiểu nhân vật dụng). Tam niên khắc chi bại dã,  nói ba năm mới thắng, ý nói phải vất vả nhiều mới thắng được. 

 

4. 六 四 . 繻   終 日 戒 .

    象 曰終 日 戒 . 有 所 疑 也 .

Hào Lục tứLục tứ.

Nhu hữu y như. Chung nhật giới.

Tượng viết:  Chung nhật giới. Hữu sở nghi dã.

Dịch.

Sắm sanh những dẻ, cùng nùi,

Phòng khi thuyền thủng, thời bồi, thời tra.

Suốt ngày, phòng bị âu lo.

Tượng rằng:

Suốt ngày phòng bị âu lo,

Là vì trong dạ nghi ngờ chẳng yên.

 

Hào Lục tứ lại dạy phải quan phòng. Đi thuyền phải chuẩn bị nùi dẻ (Y như), để khi thuyền thủng (Nhu), có mà chét. Thế là suốt ngày phải lo lắng đề phòng (Chung nhật giới. Hữu sở nghi dã).

 

5. Hào Cửu ngũ.

九 五      東 鄰 殺 牛 . 不 如 西 鄰 之  . 實 受 其 福 .

象 曰 .      東 鄰 殺 牛 . 不 如 西 鄰 之 時 也 . 實 受 其 福 . 吉 大 來 也 .

Cửu ngũ.

Đông lân sát ngưu. Bất như Tây lân chi thược tế. Thật thụ kỳ phúc.

Tượng viết: 

Đông lân sát ngưu. Bất như Tây lân chi thời dã.

Thực thụ kỳ phúc. Cát đại lai dã.

Dịch.

Xóm Đông, trâu giết linh đình,

Xóm Tây, lễ bạc lòng thành lại hơn.

Lòng thành hưởng phúc trời ban.

Tượng rằng:

Xóm Đông trâu giết linh đình,

Xóm Tây, thời thế tốt lành vẫn hơn.

Lòng thành, hưởng phúc trời ban,

Phúc lành lai láng, tràn lan mới là.

Cửu ngũ. Xóm Đông giết trâu, cúng tế linh đình, mà lại không bằng xóm Tây cúng tế sơ sài đạm bạc. Đó vì thần linh chứng lòng, chứ không chứng lễ vật (Đông lân sát ngưu. Bất như Tây lân chi thược tế. Thực thụ kỳ phúc). Sa hoa phung phí, không bằng thành khẩn thức thời. Tương lai đẹp đẽ, không thuộc về những kẻ ưa hào phóng sa hoa, mà chính thuộc về những người biết sống, biết xử dụng tiền tài, vật dụng  (Đông lân sát ngưu. Bất như Tây lân chi thời dã. Thật thụ kỳ phúc. Cát đại lai dã). 

 

6. Hào Thượng Lục.

上 六 .      濡 其 首 .  .

象 曰 .      濡 其 首 厲 . 何 可 久 也 . 

Thượng Lục.

Nhu kỳ thủ. Lệ

Tượng viết:

Nhu kỳ thủ lệ. Hà khả cữu dã.

Dịch.  

Đầu mà chìm nghỉm thời nguy.

Tượng rằng:

Đầu mà chìm nghỉm, thời nguy.

Đầu chìm, thời chẳng cách chi vững bền.

 

Cực thịnh sẽ suy. Đó là lẽ Trời. Công đồng Latran (1512- 1517), vừa quả quyết rằng: Từ nay không còn ai phàn nàn, không còn ai chống đối giáo hội, thì mấy tháng sau, ngày 31-10-1517, Luther dán bích chương đả kích giáo hội, và lập nên giáo phái Tin Lành.

Con hồ băng sang sông, mà chìm nghỉm cả đầu, ắt sẽ nguy. Khi gặp thời thế thuận tiện, may mắn, mà con người sống phóng túng, thì ắt cũng sẽ nguy (Nhu kỳ thủ. Lệ). Gặp thời thuận tiện mà nhắm mắt làm liều, lao đầu làm bậy, thì làm sao bền vững được (Nhu kỳ thủ. Lệ. Hà khả cữu dã).

ÁP DỤNG QUẺ KÝ TẾ VÀO THỜI ĐẠI

Ký Tế là khi công chuyện ta định làm, nay đã làm rồi, nhưng còn những điều tiểu tiết trong đó mà ta cần phải chú ý, nếu không công việc của ta sẽ dễ dàng đi đến bế tắc, nguy ngập. Ví dụ:  Nay ta muốn mở 1 tiệm ăn nhỏ, ta đã lo liệu đủ, và đã sang được 1 cửa hàng, với đầy đủ đồ vật cần thiết rồi, ta đã có người bếp mà ta cho rằng đủ tài, đủ kinh nghiệm và ta tin tưởng ta sẽ thành công, như thế rất là nguy hiểm. Vì một cơ sở, muốn đi tới thành công không phải dễ dàng như vậy.  

I. Về phần người chủ

Muốn thành công, người chủ tối thiểu phải biết quản trị tốt, giao thiệp rộng, phải cởi mở với nhân viên, để họ hết lòng với mình, thì dù có phải làm việc vất vả họ cũng không nề hà, oán trách, phàn nàn. Điều quan trọng hơn cả, là người chủ phải là người siêng năng, nấu ăn giỏi, có nhiều sáng kiến độc đáo của riêng mình,  phải có óc cầu tiến, học hỏi, không được quá chủ quan, biết nghe lời phê bình của người khác. Và phải niềm nở với khách hàng.

Siêng năng, nấu ăn giỏi, là để khỏi bị cảnh lúng túng khi người bếp đau ốm, hay muốn làm reo với chủ.

- Có sáng kiến độc đáo, là để cho tiệm mình luôn có món ăn độc đáo hơn tiệm khác.

- Cầu tiến, là để tiệm của mình luôn trang trí hợp thời, sạch sẽ, hấp dẫn khách hàng.

Học hỏi, là để mình thu lượm những kinh nghiệm của người khác về làm của mình.

Không được chủ quan và chịu nghe lời phê bình của người khác, vì nó là yếu tố đưa ta đến thành công. 

II. Về phần người làm công, như bồi bàn, thư ký thu tiền, ăn nói phải lịch sự, đừng bao giờ dùng tiếng Anh, Chị mà gọi người ta, nhất là khi người ấy cao niên hơn mình.

Theo đúng, chắc chắn bạn sẽ thành công.


Nguồn: www.nhantu.net





- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét