📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

Quẻ 48: Thủy Phong Tỉnh (水 風 井)

48. 水 風 井  THỦY PHONG TỈNH   

 

 

Tỉnh Tự Quái

井 序 卦

Khốn hồ thượng giả

困 乎 上 者

Tất phản hạ.

必 反 下

Cố thụ chi dĩ Tỉnh.

故 受 之  以 井

 

Tỉnh Tự Quái

Cao mà khốn nạn, sẽ thường xuống sâu.

Cho nên Tỉnh tiếp theo sau. 

 

Khi người bị khốn ở bên trên, sẽ quay xuống phía dưới, cho nên, sau quẻ Khốn là quẻ Tỉnh. Tỉnh là giếng. Nói đến giếng nước, tức là nói đến cung cấp nước uống cho dân chúng từ ngàn xưa tới nay.

Thường làng nào cũng có giếng. Giếng đào sâu xuống cho tới các mạch nước ngầm, nên có thể cung cấp nước ăn uống cho cả dân làng.

Quẻ Tỉnh, trên là quẻ Khảm là nước, dưới là quẻ Tốn là gỗ. Xưa người ta dùng gầu tre, gỗ hoặc những cần cây để múc nước giếng lên. Lại cũng dùng giây thòng gầu xuống để múc nước lên. Ca dao ta có câu: Tưởng giếng sâu, em nối sợi dây dài, ngờ đâu giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây. 

I. Thoán.

Thoán từ.

 . 改 邑 不 改 井 . 無 喪 無 得 . 往 來 井 井 . 汔  . 亦 未  繘 井 . 羸 其 瓶 .  . 

Tỉnh. Cải ấp bất cải tỉnh. Vô táng vô đắc. Vãng lai tỉnh tỉnh.

Ngật chí. Diệc vị duật tỉnh. Luy kỳ bình. Hung.

Dịch.  

Tỉnh là nước giếng nuôi người,

Rời làng, rời ấp, chẳng rời giếng đi.

Dùng nhiều, nước chẳng suy vi,

Không dùng, nước vẫn cứ y chẳng tràn.

Người qua, kẻ lại rộn ràng,

Tha hồ đến giếng, kín mang nước về.

Thòng dây chưa tới, ích chi?

Giây chưa tới nước, cách gì múc lên.

Dùng gầu nứt rạn, chẳng bền,

Dùng gầu nứt rạn, thảo hèn nào hung.

 

Thoán từ: Giếng là 1 cơ cấu cần thiết nhất trong làng mạc. Xưa, ông Công Lưu, tổ phụ nhà Chu, muốn lập cơ ngơi ở đất Bân, cũng đã đến nghiên cứu phương hướng, chỗ nắng, chỗ râm, cùng là nơi có mạch nước chẩy, thế là đào giếng, rồi mới lập ấp. Vì vậy, sau này dẫu hình dạng làng mạc có đổi thay, kiến trúc nhà cửa có biến đổi, thời cái giếng vẫn y nguyên cùng tuế nguyệt (Tỉnh. Cải ấp bất cải Tỉnh). Đã có giếng tốt, thời dầu nhiều người ăn nước, giếng cũng không hao kiệt, mà thảng hoặc giếng không có ai dùng, thời giếng cũng không tràn đầy (Vô táng vô đắc)

Giếng chỉ làm việc của giếng là cung cấp nước ăn, còn ai đến cũng không mời, ai đi cũng không giữ (Vãng lai tỉnh tỉnh). Nhưng muốn kín nước giếng, phải có dây đủ dài, có gầu lành lặn mới được. Nếu chưa tới mực nước, mà dây đã hết, hoặc gầu múc nuớc mà vỡ chẩy, thì cũng chẳng được ích lợi gì (Ngật chí. Diệc vị duật tỉnh. Luy kỳ bình. Hung).

Ngật chí là chưa tới nơi. Duật là giây để kéo nước. 

Luy kỳ bình là gầu vỡ, gầu chẩy.

 

Thoán Truyện. Thoán viết:

彖 曰: 巽 乎 水 而 上 水,井﹔井 養 而 不 窮 也。改 邑 不 改 井,乃 以 剛 中 也。汔 至 亦 未 繘 井,未 有 功 也。羸 其 瓶,是 以 凶 也。

Tồn hồ thủy nhi thượng thủy. Tỉnh. Tỉnh dưỡng nhi bất cùng dã. Cải ấp bất cải tỉnh. Nãi dĩ cương trung dã. Ngật chí. Diệc vị duật tỉnh. Vị hữu công dã. Luy kỳ bình. Thị dĩ hung dã.

Dịch.

Ném gầu vào múc nước lên,

Tỉnh là Tồn dưới, thủy trên rõ rành.

Giếng là nguồn mạch dưỡng sinh,

Dưỡng nuôi mãi mãi, công trình dài lâu.

Rời làng, giếng chẳng rời đâu,

Cương cường, trung chính, trước sau vững  bền.

Hụt dây, nên nước không lên,

Nghĩa là dang dở, không nên công trình,

Dùng gầu rạn nứt, chẳng lành.

Không lành, không lặn, đã đành là hung.

 

Thoán Truyện giải thích Tỉnh là ném gầu vào nước để múc nước lên. Thoán viết: Tồn hồ thủy nhi thượng thủy. Tỉnh. Thoán Truyện cũng cho biết đặc tính của giếng là cung cấp nước nuôi dân mãi mãi chẳng cùng (Tỉnh dưỡng nhi bất cùng dã). Kế đó Thoán Truyện giải thích Thoán từ: Cải ấp bất cải tỉnh. Nãi dĩ cương trung dã  thay đổi ấp, mà không thay đổi giếng, vì giếng là cái gì thiên nhiên, còn làng mạc là cái gì nhân tạo. Cương trung tức là cái gì lý tưởng, thiên nhiên. Muốn kín nước, phải giòng dây xuống cho tới mực nước, chưa tới nước thì chưa đi tới đâu (Ngật chí. Diệc vị duật tỉnh. Vị hữu công dã). Muốn kín nước, mà gầu lại thủng, lại vỡ, thì thật là hỏng chuyện (Luy kỳ bình. thị dĩ hung dã).

- Giếng tượng trưng cho cái gì hằng cửu, còn các tổ chức xã hội khác như làng mạc, thôn xóm, tượng trưng cho cái gì biến thiên. Nơi xã hội, giếng cũng tượng trưng cho nhân luân. Dẫu hình thức chính trị đổi thay, dẫu triều đại luân chuyển, nhưng nhân luân sau trước vẫn y nguyên.

-Giếng cũng tượng trưng cho nguồn sống, cho thiên tính nơi con người. Đó là tầng lớp sâu xa nhất trong con người. Nếu một tổ chức xã hội nào, một nền văn minh, giáo dục nào mà sao lãng nguồn sống ấy, thiên tính ấy, thì chỉ là cơ cấu nhân tạo tạm bợ, không có ích lợi gì lâu dài; y như đi múc nước giếng, mà dây không đủ dài, gầu không đủ kín, thời sao múc được nước ăn.

Nói cách khác, trong cuộc tu thân của chúng ta, điều cốt yếu là phải đạt tới nguồn mạch siêu nhiên, sống động trong con người. Nếu trạng thái siêu nhiên ấy chưa đạt được, thời con người chỉ sống trong tình trạng giả tạo, y thức như người muốn uống nước giếng trong mát, mà dây không đủ dài, gầu không đủ kín, nên đành phải chịu khát.

Tào Thăng giải Tỉnh là cái gì bất biến tượng trưng cho Đạo. Tỉnh cũng tượng trưng cho đời sống chính trị, cũng y như giếng cần phải có nước luôn luôn, để cung cấp nhu cầu cho nhân loại.

Vương đạo hay một nền hành chánh hoàn hảo, cũng là nguồn mạch sống động của đời sống quốc gia. Không  gian, thời gian có thể đổi thay, nhưng một nền cai trị hoàn hảo bao giờ cũng là lý tưởng của nhân loại.

Tóm lại, Thoán của quẻ Tỉnh dạy ta hai bài học chính yếu:

1- Phải cố gắng đạt tới nguồn mạch sống động, siêu nhiên nơi con người, phải đạt tới Trời, tới Đạo, nơi tầng sâu con người, để thoả mãn nguyện vọng sâu xa, huyền bí nơi con người.

2- Phải có 1 nền hành chánh hoàn hảo, để thoả mãn nhu cầu muôn dân.

 II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 . 木 上 有 水 .  . 君 子 以 勞 民 勸 相 .

Tượng viết:  

Mộc thượng hữu thủy. Tỉnh. Quân tử dĩ lao dân khuyến tướng.

Dịch. Tượng rằng:

Tỉnh là nước có trên cây,

Khuyên dân lao tác, dở hay đỡ đần.

Mới hay quân tử thương dân,

Nuôi dân, lại dạy tương thân, tương phù.

Giải là : Trên gỗ, trên cây có nước là giếng. Người quân tử nhân đó khuyến khích dân lao tác, và giúp đỡ lẫn nhau. Nói là nước trên gỗ, trên cây, vì xưa dùng cần cây, dùng gầu mà múc nước lên. Vua chúa xưa đã tổ chức phương pháp Tỉnh Điền để chúng đân đồng lao, cộng tác với nhau. Phép Tỉnh Điền được gói ghém trong chữ Tỉnh. Chữ Tỉnh gồm có 9 ô:

 -Tám ô chung quanh là ruộng đất chia cho 8 gia đình, gọi là tư điền. Ô thứ 9, ở giữa có cái giếng, gọi là công điền. 8 gia đình chung quanh, cùng ăn nước ở cái giếng chung ấy, lại cùng khai thác thửa ruộng công điền ấy để nộp lợi tức cho triều đình. Còn phần tư điền bên ngoài, làm được bao nhiêu thời giữ lấy mà ăn.

Thế là nhờ phép Tỉnh điền, vua chúa vừa khiến dân lao tác, vừa khuyến khích họ tương trợ lẫn nhau. 

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

Hào từ & Tiểu Tượng Truyện, nói lên các điều kiện mà một giếng nước cần phải có.

-Nước giếng không được dơ bẩn (Hào Sơ).

-Giếng không được nứt rạn, có hang hốc chung quanh (Hào nhị).

-Giếng tốt, nhưng cần phải được người dùng (Hào 3)

-Giếng cũng có khi cần sang sửa lại (Hào 4).

-Khi giếng có nước ngon, cần phải để cho mọi người dùng (Hào 5, 6).

 

1. Hào Sơ Lục.

初 六 .      井 泥 不 食 . 舊 井 無 禽 .

象 曰 .     井 泥 不 食 . 下 也 . 舊 井 無 禽 . 時 舍 也 .

Sơ Lục.

Tỉnh nê bất thực. Cựu tỉnh vô cầm.

Tượng Truyện.

Tỉnh nê bất thực. Hạ dã. Cựu tỉnh vô cầm. Thời xả dã.

Dịch.

Giếng bùn, chẳng thể uống ăn,

Giếng xưa quạnh quẽ, biệt tăm chim trời.

Tượng rằng:

Giếng bùn, chẳng thể uống ăn.

Nghĩa là đáy đục, chỉ thuần bùn dơ.

Giếng xưa chim chóc hững hờ,

Người đời ruồng rẫy, nên ra hoang tàn.

 

Giếng cần phải tinh khiết. Nước giếng mà bùn, đục, thời sẽ chẳng ai ăn (Tỉnh nê bất thực). Chẳng những thế chim muông cũng bỏ rơi, không thèm lai vãng nữa, (Cựu tỉnh vô cầm).

Tiểu Tượng giải rằng: Giếng bùn đục không ai ăn, là vì giếng cạn quá (Tỉnh nê bất thực hạ đã). Giếng xưa hoang phế, chim muông không còn lai vãng tới nữa, là vì giếng đã bị người đời bỏ không dùng (Cựu tỉnh vô cầm. thời xã dã). Cũng một lẽ, những người hạ tiện, dơ bẩn, hèn hạ trong xã hội, cũng sẽ bị đời ruồng bỏ không dùng.

 

2. Hào Cửu nhị.

九 二 .     井 谷 射 鮒 . 瓮 敝 漏 .

象 曰 .     井 谷 射 鮒 . 無 與 也 .

Cửu nhị.

Tỉnh cốc xạ phụ. Ửng tệ lậu.

Tượng viết:

Tỉnh cốc xạ phụ. Vô dữ dã.

Dịch.

Giếng mà có ngách rỉ xuôi,

Nước rò rỉ xuống, nuôi loài ốc sên.

Giếng mà gáo lại chẳng bền,

Giếng mà gáo thủng, nước lên cách nào?

Tượng rằng:

Nước mà có ngách rỉ xuôi,

Nước rò rỉ xuống, nuôi loài ốc sên.

Giếng mà chẳng có nước lên,

Tại vì chẳng được bên trên khuông phò.

 

Hào Cửu nhị: Một cái giếng, mà có hang, có hốc chung quanh (Tỉnh cốc), thời nước giếng sẽ rò rỉ ra bên ngoài (Xạ), bất quá là nuôi được các loài sên, loài ốc (Phụ), chứ còn nước đâu nữa mà cung cấp cho người. Hoặc đi kín nước, lại dùng gầu rách, gầu thủng thì làm sao mà có nước? (Ửng tệ lậu).

Đó là trường hợp những người có tài, mà vì không có lý tưởng cao đại, chí hướng vững chắc, nên đã để cho tài năng mình phao phí, mai một. Chẳng những thế, lại hạ mình theo vật dục, bầu bạn với tiểu nhân, hạ cấp, thì làm sao có thể làm ích cho đời?. Tiểu tượng bình rằng: Giếng có hang hốc, nước rò rĩ ra ngoài để nuôi sên ốc, là có ý nói rằng: Không còn được cấp trên đoái tưởng nữa.

Tượng viết: Tỉnh cốc xạ phụ. Vô dữ dã. Một người thiếu tư cách, không còn được cấp trên ngó ngàng tới, thì cũng vô dụng như cái giếng, mà nước rò rỉ hết ra ngoài, hay cái gầu múc nước bể, thủng không còn kín nước được nữa.

 

3. Hào Cửu tam.

九 三 .      井 渫 不 食 . 為 我 民 惻 . 可 用 汲 . 王 明 . 并 受 其 福 .

象 曰 .      井 渫 不 食 . 行 惻 也 . 求 王 明 . 受 福 也 .

Cửu tam.

Tỉnh tiết bất thực. Vi ngã tâm trắc. Khả dụng cấp.

Vương minh. Tỉnh thụ kỳ phúc.

Tượng viết:

Tỉnh tiết bất thực. Hành trắc dã. Cầu vương minh. Thụ phúc dã.

 Dịch.

Giếng trong, mà chẳng ai ăn,

Làm ta luống những băn khoăn tấc lòng.

Băn khoăn vì nước giếng trong,

Thời nên kín nước mà dùng, mà ăn.

Nếu như có được minh quân,

Toàn dân phúc trạch, hồng ân tràn đầy.

Tượng rằng:

Giếng trong mà chẳng ai ăn,

Bộ hành luống những băn khoăn tấc lòng.

Cầu cho có đấng minh quân,

Toàn dân phúc trạch, hồng ân tràn đầy.

Hào Cửu tam: Khi đã có nước giếng tốt, nước đã lắng trong (Tỉnh tiết), mà vẫn bị người đời quên không dùng (Bất thực); thấy tình cảnh ấy, ai cũng phải bùi ngùi tấc dạ (Dĩ ngã tâm trắc). Đây là một thứ nước giếng có thể cung cấp nước ngon (Khả dụng cấp). Nếu gặp được minh quân dùng, thời cả đôi bên đều được phúc khánh (Vương minh tịnh thụ kỳ phúc).

Tượng Truyện bàn thêm rằng: Nước giếng trong mát mà không được ăn, nên người bộ hành thấy bùi ngùi tấc dạ, ước mong gặp được đấng minh quân, có gặp thì cả hai đàng đều được phúc khánh.

Tượng viết: Tỉnh tiết bất thực. Hành trắc dã. Cầu vương minh thụ phúc dã. (Tiết là trong; hành là người đi đường) Dương Mưu Trai bình rằng: Nước ngon có thể ăn là phần của giếng, không ăn nước giếng là quyền của người. Không được ăn, giếng không than thở, nhưng người đi đường phải than thở. Đây không phải than thở cho giếng, mà than thở cho người quân tử có tài, có đức mà không được trọng dụng. Giếng một khi được dùng , thời cả thôn ấp được phúc. Có giếng ngon mà không được dùng, thời cũng như không có giếng. Có hiền nhân mà không có minh vương, thời cũng như không có hiền nhân. Đức Khổng nói: Không có minh vương ra đời, thời thiên hạ ai là người biết trọng dụng ta (Lễ ký) (Minh vương bất hưng. Thiên hạ thục năng tông dư).

Hào Cửu tam tuy nói về giếng, mà thực ra nói về người quân tử. Nếu không có bậc minh quân như vua Nghiêu, thời vua Thuấn âu chỉ là một ngư phủ nơi điền trạch. Nếu không có một minh vương như Cao Tông, thời Phó Duyệt chỉ là một dung phu nơi núi rừng... 

 

4. Hào Lục tứ.

六 四 .      井無 咎 .

象 曰 .      井無 咎 . 修 井 也 .

 Lục tứ.

Tỉnh trứu vô cữu.

Tượng viết:

Tỉnh trứu vô cữuTu tỉnh dã.

Dịch.

Giếng xây, sửa lại lỗi chi

Tượng rằng:

Giếng xây, sửa lại lỗi chi.

Sửa sang cho giếng có bề khang trang.

Hào Lục tứ: (Trứu là lát gạch, sang sửa lại phía bên trong giếng). Giếng đôi khi cần ngưng cung cấp nước, để sửa chữa lại phía bên trong cho hẳn hoi. Như vậy có gì là đáng trách đâu.

Tượng Truyện giải: Tỉnh trứu là chữa giếng.

Tượng viết: Tỉnh trứu vô cữuTu tỉnh dã. Các công bộc quốc gia, nhiều khi cũng phải có thời gian để tu bổ lại:

-Tu bổ lại nghề nghiệp

-Chấn chỉnh lại lề lối làm việc.

-Tu sửa lại đức hạnh.

Như vậy, tuy mất ít ngày không làm ích cho đời, như giếng đang sửa phải ngưng cung cấp nước, nhưng sau đó sẽ trở nên mới, nên hay, và sẽ giúp ích nhiều hơn.

Sửa giếng cho giếng trở nên tốt, tức là Nhật tân kỳ đức. Xây giếng cho hết mọi lỗ hổng tức là Nhàn tà, Tồn thành, là ngăn chặn mọi điều tà ác, để giữ gìn lấy cái tinh thành. Hào 4 này dạy ta những bài học tu thân chí lý vậy. 

 

5. Hào Cửu ngũ.

九 五 .      井 冽 . 寒 泉 食.

象 曰 .      寒 泉 之 食 . 中 正 也 .

 

Cửu ngũ.

Tỉnh liệt. Hàn tuyền thực.

Tượng viết:

Hàn tuyền chi thực. Trung chính dã.

Dịch.

 Giếng mà trong vắt, trong veo,

Nước tuôn mát lạnh cho nhiều người ăn.

Tượng rằng:

Nước tuôn mát lạnh, người ăn,

Là đem trung chính trị dân, trị đời.

Hào Cửu ngũ đây vì Dương cương trung chính, lại ở ngôi trên, nên tài đức đều tận thiện, tận mỹ. Đối với giếng, thì đó là một giếng nước trong (Tỉnh liệt), do 1 mạch nước mát mẻ cung cấp (Hàn tuyền), như vậy có thể dùng để ăn được (Thực). Tượng Truyện bình rằng: Nước giếng trong mát, có thể ăn được, là chí thiện, là hoàn hảo vậy.

Một giếng nước chỉ trở nên hữu ích, khi nào được uống, được ăn. Một nhà lãnh đạo hoàn hảo, chỉ trở nên hữu ích thực sự, khi làm cho dân được theo phương châm mìnhtôn chỉ mình mà hành động. Như vậy, ích lợi mới trở nên vô tận (Hàn tuyền chi thực. Trung chính dã).

 

6. Hào Thượng Lục.

上 六 .       井 收 勿 幕 . 有 孚 無 吉 .

象 曰 .       元 吉 在 上 . 大 成 也 .

Thượng Lục.

Tỉnh thu vật mạc. Hữu phu nguyên cát.

Tượng viết:

Nguyên cát tại thượng. Đại thành dã.

Dịch.

Giếng ngon, người múc tha hồ,

Chẳng nên đậy điệm, để cho người dùng.

Nước tuôn mãi mãi chẳng cùng,

Thế là mỹ mãn, thành công tốt lành.

Hào Thượng Lục: Giếng nước ngon, đã được mọi người đến múc (Tỉnh thu) thời hãy để mặc tình cho đời dùng, chẳng nên đậy nó làm chi (Vật mạc). Nếu cứ được như vậy mãi, (Hữu phu), sẽ được muôn phần tốt đẹp (Nguyên cát).

Các quẻ khác, thì khi nói đến Hào 6, là nói đến biến, đến cực, đến bất dụng. Riêng quẻ Tỉnh, quẻ Đỉnh thời cung cấp vật thực, nên cái hay nhất là nước được đem ra dùng, đồ ăn được đem ra ăn. Vì thế Tượng Truyện mới bình rằng: Quẻ Tỉnh này, Hào trên hết mới thật là hay (Nguyên cát tại thượng), vì lúc này nói là lúc thành công mỹ mãn.(Đại thành dã). Xét về phương diện nhân sự, thì người quân tử ở cao ngôi, làm ích cho đời càng nhiều, càng hay, càng lâu, càng tốt, như vậy mới là thành công mỹ mãn, như vậy mới là đại thành.

ÁP DỤNG QUẺ TỈNH VÀO THỜI ĐẠI

Ta phải biết khai thác những khả năng còn tiềm ẩn trong ta, từ lúc còn ở học đường, nếu có thể, để giáo sư chú ý đến ta, mà tiến dẫn ta mai sau.

Khi làm việc trong một hãng xưởng nào, nếu ta thấy ta có tài gì đặc biệt, mà chưa được cấp trên biết tới, thì ta phải tìm cách thi thố tài năng đó, bằng cách nhờ người đề bạt, hay tự mình đề bạt lên cấp trên. Không nên ù lì, nhút nhát, chịu yên phận một chỗ, để mai một tài năng mình. Một khi đã lên cao rồi, thì phải hết sức mang tài ra, mà làm những công việc ích nước, lợi dân. Phải luôn luôn học hỏi nghiên cứu, để tiến thêm, chớ đừng tự mãn, cho thế là đủ, rồi đâm ra lười biếng, quay ra hưởng lạc, thì uổng phí tài năng. Và như vậy, thì cũng như giếng tốt mà không có người dùng.


Nguồn: www.nhantu.net





- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét