📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

(Ký sự Phạm Hùng Sơn) Phần 1.1 - CUỘC THI LONG HOA HỘI | Ký sự phía bên kia không gian chiều thứ tư


Khai hội ở mùa Thu - Đông năm 1996 Bính Tý.

Mãi tận khi tôi đã ý thức được; Mình đang đứng trước cánh cổng của Đại Hội Long Hoa!

Lúc đó, trong tôi mới mơ hồ… nhớ lại những lạc cảnh. Tựa hồ như có như không, cùng hoàn cảnh của những tháng ngày vừa qua, trên suốt dặm dài trở về nguồn cội. Bồi hồi nhớ lại một trong những lưu ký đã chất oằn gánh, mỗi lúc nhọc nhằn thấm đẫm cả thể xác lẫn tinh thần. Tôi thường san nghiêng trang giấy vội:

Ta đến đây tìm lại dấu nhạn
Thuở hồng hoang lạc chốn mây ngàn
Ta đến đây tìm lại ngấn tích
Ngọn trúc nào chít mảnh trăng phai
Cõi trần ai dặm ngàn dong ruổi
Lối mục tiều thừa đuổi dấu chân
Lướt trong mơ hồn xót bội phần
Đường dê thỏ mờ dần hoang ảo.

Đang chìm đắm trong trầm ngâm những cảm xúc chập chờn… Ý thức về thực tại, vẫn thoắt ẩn thoắt hiện, cùng cảnh giới đang hiện diện một cách lạ thường, không xác định được, đang diễn ra! Tôi cắt nguồn tư duy bằng cách ngồi xuống một phiến đá ven lối. Sau khi hít vài hơi thật sâu, để đưa tâm trí trở về với an định. Tôi chậm rãi châm điếu thuốc lá và định thần nhìn lại cảnh vật xung quanh…

Với một chút hoang mang xen lẫn trong mắt; Vẫn thế! Cảnh vật trước mắt, đồng thời cũng là cảnh giới đã bị xóa nhòa ranh giới, giữa hiện thực và huyền ảo. Tôi sửng sốt, không thể tìm ra đâu là ranh giới để gọi thành tên thực cảnh, và chỉ ra đâu là huyễn cảnh! Qua lăng kính to tướng của những dấu chấm than và chấm hỏi. Tôi quan sát dòng người cứ lũ lượt đi qua cổng của… Cái gọi là Đại Hội Long Hoa… “!?”. Một khái niệm mà ký ức trong tôi đã từng được nghe, thấy và biết qua những truyền thuyết của tôn giáo. Điều đó đã tùy ý tích lũy và đọng lại… ở đâu đó trong tiềm thức. Tôi hoàn toàn không tài nào xác định được, cột mốc thời gian nào trong quá khứ, từng đã tích lũy khái niệm này, dù chỉ là vô thức trong tôi?

Cuối cùng, tôi chấp nhận với quan điểm: Tôi đã bước qua ngưỡng cửa của không gian chiều thứ tư! Thế giới đó hoàn toàn là một thực tại tiềm ẩn ở phía bên kia của không gian 3 chiều đương đại. Đang dần tìm cách thích nghi với trạng thái sốc trong thế giới đầy huyễn hoặc này. Bất chợt tôi nghe vẳng trong tai, có thể mô tả rõ hơn là tận gốc rễ của tai trong (!). Từ thinh không, lan tỏa âm thanh của tiếng trống giục khai hội… rất dị thường.

Để diễn đạt chính xác hơn cho tiếng trống đó là; “Âm…” chứ chưa đủ để gọi được thành “…Thanh”!. Cái vẳng “âm ba” đó, tuy chưa đủ thành “âm thanh”. Nhưng cường độ năng lượng tiềm ẩn trong đó của nguồn sóng âm này. Đủ gây giao động cộng hưởng và lan tỏa trên toàn miền của thế giới mà tôi gọi là huyễn - thực cảnh đó!

Thế rồi bất giác, tôi cũng vội vã hòa vào dòng…;

Quả thật ngôn ngữ của nhân loại chúng ta đã vấp phải những trở ngại khó khăn nhất định ở thế giới này!

Ví dụ: Cứ sau mỗi một dòng diễn tả, tôi cứ phải ghi vào nơi cuối dòng một dấu “chấm than”!, hoặc “chấm hỏi”!!. Cứ mãi như thế, sao được? Nhưng không như thế, cũng không ổn! Công cụ ngôn ngữ đã tỏ rõ sự bất lực, khi phải mang sứ mệnh là mô tả về thế giới này.

Cho nên tôi phải diễn đạt tiếp theo dòng trên, đã bỏ dở khi nãy là: … hòa vào dòng… Thần Tiên (không phải dòng người) đó, mà đi đến cổng Đại Hội. Tôi ngóng thấy phía trước, mọi bậc Thần - Tiên. Đều phải đưa ra “Thiệp báo danh” như vé vào cổng cho vị soát vé trước cổng Đại Hội xem xét, trước khi vị này cho qua cổng. Bất giác, tôi lục tìm trong các túi của mình một cách vô thức. Quái! Tôi phát hiện trong tay tôi cũng có một “phiếu báo danh” như thế! Hồi ức nhắc lại cho tôi biết rằng: Tôi đã từng nhận được Thiệp Báo này vào một trong những ngày cắm sào nơi cửa Thiền, trên dọc dài đi về nguồn cội một cách tự nhiên theo trật tự lạ lùng của vũ trụ. Đó chính là núi Cấm của vùng Thất Sơn. Một trạm dừng chân nơi cửa Thiền, những lúc gối mỏi, chân chồn, lạc nẻo đi về.

Hóa ra địa phương vùng 7 Núi, chính là nơi mà thí sinh phải tới đó để nhận Báo Danh, dự Đại Hội Long Hoa trong truyền thuyết. Một địa huyệt của trời đất mà Nguyễn Đình Chiểu, mãi tận khi cuối đời mới có thể lĩnh ngộ được. Và ông đã kịp ghi lại, làm di chúc, ở phía sau của… Toàn Tập Thơ Văn Đồ Chiểu, cho thế hệ tương lai:

“Ngũ Hổ năm anh thấy đã mầu.
Ai ngờ đến nỗi Thất Kinh Châu?”.

Do thuật “phong thủy đại cuộc” thì: Núi Ba Vì thuộc đuôi rồng. Ngũ Hành Sơn thể hiện lưng rồng. Và Bảy Núi chính là đầu rồng với tên gọi Kim Thành Huyệt. Đồ Chiểu ngày trước đã lưỡng lự giữa Gò Công và Mỹ Tho. Để rồi sau thất bại thiên cơ, ông đã chọn Bến Tre, do huyệt mạch nơi Cửa Đại thuyết phục ông. Tuy nhiên, cuối đời ông mới “ngờ” được Thất Kinh Châu. Quả thật! Tổ tiên giống nòi đã từng bị chôn vùi biết bao uất khí, đầy oan uổng như thế, trong suốt quá khứ lịch sử của dân tộc. Những thực tại oan khốc này, đã đẫm đầy lịch sử từ ngàn xưa đến nay, mà vẫn khó có ai nhìn thấu đáo cho được.

Tóm lại: Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng; Hội Long Hoa là của Trời Đất tự nhiên, tạo nên theo cách như có như không. Vì thế, những ai được xét và xem là “thí sinh” dự hội. Thì ít nhất phải biết cách đọc được Sách Trời (Thiên Thư) đã. Thật khôi hài khi cứ muốn mình dự hội mà lại không đọc được một chữ nào trong Thiên Thư. Trời đất không đùa với nhân loại chúng ta bao giờ cả. Chúng ta thử hình dung, một thí sinh cứ muốn bước vào trường thi. Trong khi thí sinh đó lại không hề biết đọc một chữ nào cả! Trò đời vốn thường diễn mãi những tấn tuồng đầy bi hài như thế đấy.

Phàm, hễ muốn đọc và hiểu được sách trời, thì trước hết phải hiểu được sách người đã. Sau đó mới có thể nói đến sách trời ít nhiều được. Xưa nay hiểu việc người mà không hiểu việc trời là có. Còn hiểu việc trời mà không hiểu việc người là chưa có tiền lệ bao giờ. Thế nhân chúng ta hoàn toàn không đủ tự ý thức bản thân mình đối với Hội Long Hoa. Thật sự hội ấy đã bế mạc từ rất lâu rồi. Vậy mà thế nhân chúng ta, vẫn cứ thi nhau đi tìm cho đến tận hôm nay… Tận thời điểm mà tôi đang chép lại những dòng miêu tả này, về những diễn biến của đại hội có tính huyền thoại đó. Mong sao qua đây, những ai còn đang tưởng tượng về Hội Long Hoa hãy ý thức thực tại lại. Ý thức thực tại bản thân, gia đình, người thân. Từ đó làm nền tảng vươn ra cộng đồng, xã hội về một thực tại cuộc sống mà chúng ta đang sống.

Nếu như trước đây, có ai đó đã triển khai và đưa Huyền Thoại Đại Hội Long Hoa vào đời thường. Thì hôm nay, tôi có trách nhiệm và không ngần ngại thông báo rằng: Huyền thoại về Hội Long Hoa đó. Hiện nay đã thực sự đi vào truyền thuyết mất rồi, không còn nữa. Có còn chăng? Thì điều này cũng thể hiện đúng như bản thể của nó là truyền thuyết mà thôi. Qua đó, chúng ta truyền nhắc lại cho mai sau về một giai đoạn đã từng có xảy ra sự kiện này. Thêm một lần nữa, tôi nhắc lại: Đại Hội Long Hoa đã thực sự bế mạc từ rất lâu rồi. Và hiện thân của nó hôm nay, đã là một truyền thuyết, không hơn không kém.

...Cuối cùng, cũng đã đến lượt tôi trình phiếu báo danh cùng vị soát phiếu. Trong bất giác, cả hai chúng tôi đều nhận ra nhau! Vị này, tôi đã có từng biết và hiểu trong quá khứ của lịch sử, nhưng chưa từng quen! Không qua lời nói, cả hai trao đổi qua ánh mắt và hoàn toàn hài lòng về sự hiện diện của nhau trước cổng Đại Hội. Điều này có thể được tôi mô tả thêm như:

Tự nhủ; À…! Hóa ra thiên cơ là như thế đấy. Bởi người gửi thông điệp vốn không chủ đích. Kẻ nhận thông điệp cũng hoàn toàn không chủ ý. Ứng hẹn, trao nhau một ánh mắt khải tín của định mệnh được gọi là đủ. Vừa bước qua cổng Đại Hội, tôi choáng ngợp trước thế giới của Thiên Trường đúng nghĩa. Có thể mô tả đại hội này với tên gọi là “Quần Tiên Hội”, vẫn chưa đủ. Bởi ngoài các nhóm Tiên Lữ còn có tất cả các vị Thần Khách tụ hội nữa. Như bên kia là nhóm Bát Tiên, không biết họ quá hải vào thời điểm nào mà đang hiện diện và tán gẫu cùng nhau trông rất vẻ… tiên phong đạo cốt. Kìa lại có nào là Dương Tiễn, cả cha con Lý Tịnh, Na Tra.v.v… Đó đây còn có cả Tam Thanh, rồi những Xích Tòng Tử, Quảng Thành Tử, Vân Trung Tử… Không kể xiết… cả thảy. Đầy đủ cả. Đầy đủ tất cả những vị Thần Tiên bao gồm trong quá khứ lịch sử thần thoại và tư duy chúng ta đã từng được biết đến, đều có mặt tại Đại Hội Long Hoa này.

Chỉ lạ mãi một điều: Một kẻ mà bụi tục còn vương gót giày, lang bạt, chán sự đời. Không thể hiểu vì duyên cớ dun rủi nào, mà lại “được đi lạc” vào Đại Hội này cho được? Kể ra cũng thật là lạ lùng, bởi khó có thể biết được nguyên do từ đâu lại như thế? Đó là tôi, một tục khách, mắt trần hẳn hoi (nên cứ trông vẻ như huyễn, như thực…). Duy nhất, hiện diện lẻ loi tại Đại Hội! Tôi ý thức và tự nhủ: Dù sớm dù muộn. Tôi cũng sẽ mô tả Đại Hội Long Hoa này lại cùng bè bạn (rõ vương lụy), đã bỏ quên giữa dòng đời, đang mãi ngụp lặn trong tục lụy, ôm mộng vớt trăng qua ngòi bút. Chỉ có điều mà tôi quyết tránh dẫm vào vết chân đi trước như sau:

Lưu ý:
Tôi không diễn tả thế giới này theo cách mà đã từng có một số rất hiếm người từng lạc vào miền cảnh giới này như: Hứa Trọng Lâm diễn thuyết Phong Thần trong quá khứ xa của lịch sử. Dấu chân của Hứa Trọng Lâm lại được Ngô Thừa Ân dẫm lên ở vào giai đoạn sau đó, qua tác phẩm Tây Du Ký. Và ở chừng mực hiện tại cũng mô phỏng không khá hơn hai vết chân trước đó là Kim Dung với Kiếm Hiệp trọn bộ.

Xét ở Việt Nam, xuất sắc và tiêu biểu có thể liệt kệ ở đây là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Đồ Chiểu có vẻ kém hơn vài phần trong Lục Vân Tiên. Tuy nhiên ông cũng thể hiện được qua Ngư Tiều Y Thuật Vấn Đáp.

Tất cả họ đều sử dụng lối hành văn gần với Văn U Mặc.

Họ nói chung thường lấy những hiện tượng trong thế giới quan của Kinh Dịch làm nhân vật và địa danh mà diễn thuyết trong tác phẩm của mình. Lấy những khắc chế, dung hòa của vận khí, kể cả huyệt mạch để mô tả xung đột trong tác phẩm.

Ví dụ:
1- Đồ Chiểu có ẩn ngữ “Bào Tử Phược và Mộng Thê Triền” (hai giá trị ám chỉ cuộc đời chỉ là bào ảnh, nhỏ nhoi, thoáng qua trong đời người ) làm hai nhân vật Tiều - Ngư. Đạo Dẫn, Kỳ Nhân Sư. Rồi địa danh Đan Kỳ, Nhân Khu v.v…

2- Nguyễn Du với Kim Vân Kiều có: nhân vật Kim Trọng. Khó khăn lắm, chúng ta mới có thể hình dung ra được điều ám chỉ đó chính là thời điểm của khí tiết giữa Thu. Bởi mùa Thu thuộc Kim. Một tháng bao gồm Mạnh, Trọng, Quý. Vậy Kim Trọng mà Nguyễn Du mượn để khắc họa đã hiện hữu chân tướng. Toàn bộ tác phẩm đều phải được đọc ở chỗ không chữ là như thế đó. May ra ta mới có thể hiểu và cảm nhận được chân giá trị của Truyện Kiều. Cho dù là một Giáo Sư, một khi không biết Kinh Dịch. Họ hoàn toàn không có thể hiểu được Nguyễn Du muốn nói gì qua tác phẩm Kim Vân Kiều. Đó là một thực tế.

3- Kim Dung Thì cũng mô tả như thế cả thôi: Chẳng hạn như Võ Lâm Ngũ Bá. Chẳng qua chỉ là mượn giá trị của Ngũ Hành mà mô tả. Đối với Kinh Dịch thì lý tính vạn vật nơi phương Bắc vốn cằn cỗi, hoang sơ, tiêu điều. Nên nhân vật Bắc Cái nhất định phải là Cái Bang. Vốn thuộc âm nên sở hữu Chưởng nói chung là hợp lý. 
Nguyên do âm khí theo 6 kinh âm và xuất ra theo lòng bàn tay. Đối lập là Phương Nam. Thuộc Dương nên ngón nghề tất yếu sẽ là Chỉ. Dương khí theo 6 Kinh dương và xuất ra theo ngón tay. Và Phương Nam vốn khí hậu ôn hòa, sinh sôi ngũ cốc, ắt phải giàu. Từ đó, nhân vật Lý Chính Thuần phải là Vua. Lại nữa; Cái lý của phương Nam vốn thuần dương, thuộc chính khí. Nên từ đó nhân vật “Lý Chính Thuần” phải có tên như thế. Phương Đông đích thị là biển. Đảo cũng là nơi sản sinh toàn cây thuốc. Nhân vật Hoàng Dược Sư là đại diện. 
Sở dĩ có biệt danh Đông Tà bởi tính vốn thuộc Dương nhưng lại hành Âm. Âm thì phải mô tả là Tà vậy. Đối lập là phương Tây thì có Tây Độc Âu Dương Phong. Chúng ta có thể hình dung theo cách đã trình bày là được. Dĩ nhiên đã là đại diện cho 4 mùa và tiềm ẩn 4 Hành, thì đâu hẳn là ai giỏi hơn ai cho được. Tuy nhiên có nhân vật Dương Trùng Dương trong cổ mộ do: Dương Trùng Dương ở đây có nghĩa là ngày 6 tháng 6 ÂL. Theo lý của Dịch thuộc Mộ. Tính của Thổ vốn được bố trí ở vào trung tâm của ngũ hành. Nên võ công có bao gồm cả bốn nhân vật kia. Bốn tháng cuối của mỗi mùa thuộc Thổ và cũng đều Nhập Mộ. Dương Trùng Dương phải ở trong cổ mộ là tất yếu. 
Nhưng những kẻ dựa vào học vấn mà suy diễn nhân vật Dương Trùng Dương thành ra Dương Trùng Vương! Lại có người Bắc cho dân Nam vốn phát âm sai. Từ đó chỉnh lại thành ra Vương Trùng Dương mới đúng!! (đúng hơn là… tai họa).

4- Với Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng không khác. Tôi có thể dẫn ra như Tam Tạng cưỡi Long Mã là ý nói đến Tiên Thiên Đồ. Do thiếu Hậu Thiên là sự thành, cho nên thầy trò mới bị Thần Quy nhận chìm khi đã thỉnh được Kinh. Còn hình tượng của Chim Đại Bàng là ý ám chỉ đến Lục Tổ Huệ Năng đi tìm Kinh mà ra. Dẫn tạm một vài ý mọn dễ hiểu như thế thôi.

5- Phong Thần của Hứa Trọng Lâm cũng hoàn toàn được xây dựng cùng một nguyên lý như thế cả. Chúng ta có thể dựa theo những diễn giải vừa qua là nắm bắt được toàn diện.

Tóm lại: Những tác giả ở trên, muốn mượn những giá trị đó, để mô tả về cảnh giới mà họ lạc vào trong lúc Thiền Định. Biết vậy, nên tôi không dẫm vào những vết chân đã hằn lối mòn đấy trong lịch sử chung của nhân loại xưa nay. Tôi cố gắng mô tả giống như thực tại có thể, như đã mô tả vừa qua. Đó là thế giới quan của huyền thoại. Chính xác hơn là thế giới thực tại tiềm ẩn phía bên kia của không gian chiều thứ tư.

Thống nhất trên quan niệm như thế. Tiếp theo, tôi sẽ mô tả lại những diễn biến phía bên trong của Đại Hội Long Hoa. Mục đích của Đại Hội này mở ra là để tìm người “thuần” cho bằng được con: “Ngựa Tiêu Sương”!

Vì thế, bài tiếp theo sẽ có tựa; Đại Hội Long Hoa - Thuần Tiêu Sương Mã.


Tác giả: Phạm Hùng Sơn (Ký sự phía bên kia không gian chiều thứ tư)


Trả lời câu hỏi bạn đọc:


Hỏi:  Nguyễn Du ông mượn lấy câu chuyện của người khác. Thổi hồn thi ca vào đó. Nên làm sao phân biện được đâu là dụng ý của ông hay dụng ý của Thanh Tâm Tài Nhân ở bản gốc? Cụ thể như cái tên Kim Trọng này vậy, nó cũng có ở bản gốc phải ko ad?

Trả lời: Là dụng ý chung của cả hai vị đó. Có khác chăng thì đó là: Nguyễn Du dụng ý chuyển tải giá trị đó về với Người Việt mà thôi.

Và dựa trên những bài viết của tác giả đã phản ảnh thì: Nền tảng văn hóa này vốn của Người Việt, người khác dụng, không đủ hiểu. Nguyễn Du mang về, các thế hệ sau, ai hiểu được là có thể khai thác những giá trị tiềm ẩn trong đó.

Bởi Nguyễn Du trung thành với bản gốc nên có những điều sai lạc rất trầm trọng như:

"...Rằng; nghe nổi tiếng cầm đài
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ
...Kê Khang này Khúc Quảng Lăng
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân"

Như thế, xét qua các bài nói về Dao Cầm trong page này thì... Thôi chết Nguyễn Du cũng đã lầm rồi vậy. Bởi ý thơ đã lỡ khen tặng nức nở Khúc Quảng Lăng cũng như Bá Nha Tử Kỳ với khúc Cao Sơn Lưu Thủy mà ta đã đọc qua.

Kết luận: Về vấn đề này thì: Cũng giống như giữa đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn với Chinh Phụ Ngâm vậy. Người ta chỉ nhớ đến Đoàn Thị Điểm (diễn Nôm) chứ ít ai biết đến Đặng Trần Côn (tác giả). Người đã viết nên một trong Lục Kỳ Thư của kho tàng văn hóa Việt Nam.


Hỏi:  Có vài điều muốn hỏi ad, mong ad giải đáp giùm
1) hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ mà ad vẫn hút, tôi k hút thuốc nhưng thi thoảng uống rượu có tốt cho thiền k ạ
2) hội Long Hoa đã bế mạc từ lâu sao ad có thể tham dự được ạ
cảm ơn ad rất nhiều

Trả lời: 1.Thuốc lá, Trà, Cà phê lại là chất kích thích rất tốt để những ai làm việc bằng tư duy (thức đêm, ưu tư). Là người bạn duy nhất cho những kẻ lãng du, đơn độc giữa rừng hoang, đêm vắng một mình. Thế nhưng nó rất có ảnh hưởng tác hại trong lúc Thiền. Nó sẽ làm chậm lại tiến trình tụ Tinh, tôi biết và hiểu rất rõ. Điển hình là Phật đã tả về Trà và Thuốc là hai loại quỷ đeo bám thiền giả đến cùng trong Kinh Diệu Pháp rồi. Rượu lại càng tác hại hơn nữa. Tuy nhiên nếu bạn uống không phải trong quá trình tham thiền là cũng không ảnh hưởng gì. Nhân tiện, tôi cũng không ngại hé lộ thêm một sự thật làm ngỡ ngàng tất cả quan niệm xưa nay là: Trong tuần cuối cùng (tuần thứ 7). Trước khi thiền, ta uống 1 hoặc nửa cung rượu nhỏ vào 2 buổi sáng, chiều đó!!!
Mục đích là kích thích, dẫn khí huyết vận hành để chuẩn bị khai mở luân xa. Tuy nhiên chỉ được dùng rượu trái cây thôi (vang), mọi loại rượu khác là hỏng mất toàn bộ công phu. Điều này tiềm ẩn rất sâu kín trong Kinh, khó có ai lĩnh hội tới nổi!

2.Tôi nói đó là sau khi bế mạc trong lần đó (cuối năm 1996). Lưu ý cho những ai hiện nay vẫn đang cố đi tìm Hội Long Hoa để dự. Trong Nam hiện nay, nhất là các tỉnh Miền Tây. Vẫn đang hy vọng tu hành để đủ đức mà được dự hội này còn rất nhiều! Hàng năm, họ vẫn hành hương về khu vực Thất Sơn để mong được dự hội này!!!


Hỏi: Thưa Thầy : không lẽ Trạng Trình nhà ta nói : Bảo giang thiên tử xuất, Trung ương thuở này ( điềm ứng ở an giang- thất sơn ) là sự thật??? Qua bài này của Thầy đệ tử đã tin hơn những điễu mà đệ tủ đã hoài nghi trong lòng bấu lâu, nay đã sáng được nào !!

Trả lời: Bảo Giang chính là dòng “Cửu Long Giang” chứ không phải bất cứ dòng nào khác hơn nữa cả. Chúng ta cứ tạm biết bấy nhiêu thôi nhé.


Hỏi: Chào Tác giả bài viết, như Người nói về Hội Long Hoa đã bế mạc vậy sao ngày nay vẫn còn các bậc Cao Đức xuất hiện để truyền thụ cho bá tánh những chân giá trị để hướng thiện. Vậy chẳng lẻ những xoài dạc, sắt vụng họ cố truyền thụ để làm gì? Nhờ Người giải bày thắc mắc. Cám ơn rất nhiều.

Trả lời: Như tôi đã từng không ngần ngại chỉ rõ ra rồi. Ai còn nói về Hội Long Hoa nữa. Ấy là kẻ mê lầm và hoàn toàn không biết mình đang tự dối chính mình và dối người khác nữa. Hội này bế tắc hơn 20 năm qua rồi. bây giờ vẫn cứ mơ mơ, tưởng tưởng về nó thì thật là thoát đỉnh khôi hài rồi vậy.
Tôi có nói là nếu muốn bước vào Trường Trời, thì trước hết phải biết đọc được sách trời đã.
Phàm, hễ một khi đọc được sách trời. Thì điều đó cũng có nghĩa là đã biết được rằng Long Hoa Hội đã bế mạc thật sự từ rất lâu rồi vậy.
Điển hình là tôi đã mô tả về diễn biến Hội Thi này một cách cụ thể và cặn kẽ như trên rồi đấy. Thế các vị ấy còn chưa có thể biết nó ở đâu nữa!!! Chỉ lơ mơ nhận biết rằng nó đang ở trong mơ mà thôi.
Đã thế, các vị cứ mơ vậy…
Đừng tỉnh, vì tỉnh dậy sẽ hết mất đấy.

Dân tộc King tổng hợp




- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét