📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

(Ký sự Phạm Hùng Sơn) Phần 3.2 - UẨN KHÚC TRI ÂM | Ký sự phía bên kia không gian chiều thứ tư


TIẾNG ĐÀN BÁ NHA - TỬ KỲ!

Bá Nha và Tử Kỳ đã trở thành đôi bạn "tri âm" được xem là sáng giá và mẫu mực nhất trong lịch sử xưa nay.

Tình bạn tri âm này luôn là tấm gương để biết bao thế hệ noi theo để lấy đó làm hãnh diện. Là câu nói cửa miệng của mọi tầng lớp cũng như lĩnh vực trong xã hội, xuyên suốt mọi giai đoạn bất kỳ. Trên đỉnh cao, giàu tư duy của bậc thức giả, danh giá. Trong tầng giữa, đủ ý thức của gã phong trần, lang bạt. Dưới gầm thấp, vắng nhận thức của kẻ cơ nhỡ, hèn kém. Thậm chí kể cả những bợm nhậu nơi đầu rừng xó núi. Tất cả những họ, đều chực chờ để thốt ra cửa miệng hai tiếng tri âm. Dành cho kẻ nào mà họ cảm thấy xứng đáng nhận, từ họ. Và kẻ được rót vào tai hai câu đó sau liên tiếp vài ba cái vỗ vai, càng lấy làm đắc chí với sự đời lắm thay.

Ngàn năm qua, thiên hạ dưới gầm trời cứ một mực đinh ninh như thế. Họ say đến đỗi từng không thiếu kẻ nghi ngờ: Có khi hai ta chính là bản sao tái sinh từ Bá Nha và Tử Kỳ chăng?!

Quả thật; Bá Nha và Tử Kỳ là một giấc mộng dài, khiến đời say mãi ngàn năm.

Thuận theo quy luật của tự nhiên là không có điều gì tồn tại mãi cùng thời gian được. Và thời gian cũng có trách nhiệm là đào thải hoặc chọn lọc những gì được gọi là sự thật vào thời điểm nhất định mà thời gian buộc phải trả lời. Thời điểm đó chính là thời điểm mà nhân loại chúng ta chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới. Và hai tiếng "tri âm" đó, sẽ được thời gian hôm nay "phát âm" có "âm vang" như:

Hồi ức đưa ta trở về với tấn tuồng Bá Nha khóc Tử Kỳ ở cảnh mở màn, khi Bá Nha cắm sào trên bến Hàm Dương (không phải Hán Dương) thuở ấy. Phải biết nhân vật Bá Nha khi đắc thời thường đắc cả chí với ngón đàn mà mình đang sở hữu. Một truyền cầm trác tuyệt có thể giữ được gió, cầm cả trăng. Mỗi khi Bá Nha thả hồn lướt phím rung dây.

Tuy nhiên Bá Nha cũng luôn cho rằng; Thiên hạ không ai đủ để thưởng thức được tiếng đàn của mình cả. Bá Nha thường đơn lẻ trải lòng phiêu lãng cùng đất trời ở những nơi dòng uẩn, khúc vắng. Như bến Hàm Dương theo như tích cũ đã kể chẳng hạn.

Ở đây, tôi chỉ nói đến những sự cố xảy ra trong câu chuyện chứ không nhắc đến toàn bộ cốt truyện được mệnh danh là Tri Âm này. Vì thế nên ta xem xét vào thời điểm cây đàn bị đứt dây!?

Vậy khi sự cố đó xảy ra. Căn cứ vào đâu để Bá Nha biết được là có kẻ nào đó đang lén nghe đàn? Chẳng lẽ những người bạn trước đó từng đã nghe Bá Nha đàn trong quang minh chính đại thì không đứt dây hay sao? Thế nhưng có chắc gì những lúc đó ngoài những bạn bè đang nghe lại không bất chợt có ai lén nghe bên ngoài thì sao? Có uẩn khúc gì bị che giấu sau ngón đàn của Bá Nha ngày đó hay không?

Vấn đề ở đây lại không phải là nghe lén hay nghe minh bạch gì cả, mà chính là biết nghe (tri âm) tiếng đàn, và không biết nghe (vô tri âm) tiếng đàn! Như thế cũng có nghĩa là: Vô tri thì không xảy ra cớ sự gì. Bằng như gặp được kẻ hữu tri thì đàn sẽ có hiện tượng đứt dây! Tại sao lại có sự cố quái dị như thế đối với những ai được liệt vào hạng được gọi là tri âm? Tình tiết này sẽ được làm rõ chân tướng khi ta xét xem những sự cố gì xảy ra trong suốt câu chuyện của đôi bạn tri âm này.

Khi Tử Kỳ được viên quan "mời" xuống thuyền để đối chất. Ta thấy bối cảnh lúc đó như hai diễn viên bất đắt dĩ, diễn vai "Ngư Tiều Dao Cầm Vấn Đáp" vậy.

Theo như chỗ biết hạn hẹp của tôi thì nguồn gốc của cây Dao Cầm này không như những gì mà Tử Kỳ đã diễn tả cùng Bá Nha ngày đó. Không hề bởi do Phục Hy thấy 5 ngôi sao sa xuống cây ngô đồng cũng như chim phụng đáp trên đó. Bèn dùng gỗ ngô đồng mà làm ra cây đàn Dao Cầm này.

Thật sự cây đàn này được thiết kế từ một loại gỗ của cây Xích Tùng ngàn năm trên cung Dao Trì của Tây Vương mẫu, nên mới có tên là Dao Cầm (Đàn của cung Dao Trì). Nó vốn được tạo ra là để mô phỏng nhịp điệu và âm thanh của vũ trụ trích từ sao Bắc Đẩu. Đó là Sao Tiêu (Tiêu Khúc) và Sao Dao (Dao Cầm) trong bộ Tiêu - Dao - Du của tòa Bắc Đẩu mà ra. Tử Kỳ không đủ để biết tới căn nguyên nguồn cội đó cho được. Tóm lại: Đó vốn là "nhạc trời", chỉ dành riêng cho "Hóa Công" nơi Tiên cõi. Không phải là nơi để thế nhân học đòi mà làm loạn theo thói phong lưu.

Chúng ta cứ tạm biết như thế đã. Mọi sự sẽ hạ hồi phân giải, khi tất cả đã dần minh bạch.

Tiếp diễn câu chuyện Tử Kỳ nhắc đến đoạn: Khi Bá Nha đàn khúc "Khổng Tử Khóc Nhan Hồi". Đến câu thứ 3 trong 4 câu thì đàn bị đứt dây bất chợt. Từ đó dẫn đến việc phát hiện "kẻ nghe lén" Tử Kỳ. Và rồi đôi bạn tri âm cùng ngồi mà đàm đạo rất tâm đắc. Khiến cho bao kẻ ngàn đời sau, rất lấy làm ngưỡng mộ.

Tôi cũng đi thẳng vào ý của của bài này như sau:

Thật ra có một sự thật lấy làm kinh hoàng tất cả mọi tư duy suốt bao ngàn năm qua là: Tiếng đàn của Bá Nha ngày đó đã vô tình hại chết Tử Kỳ! Không như những gì mà người đời vẫn ca tụng là đôi bạn tri âm. Một nỗi oan khốc phải ngậm ngùi nghìn thu.

Bởi tiếng đàn đầu tiên mà Bá Nha "đã gẩy" trong sự thiếu hiểu biết ngày đó trên bến Hàm Dương, chính là "Khúc Đoạt Mạng". Tử Kỳ nghe được (tri âm) nên ắt phải chết sau 100 ngày! Cho nên chúng ta thấy Tử Kỳ đã vội vã về nhà: Bỏ cả việc đốn cũi hằng ngày mà chỉ lo tìm mua sách đọc cho tới chết (tiền từ 2 lượng vàng của Bá Nha tặng!?). Bởi Tử Kỳ biết mình sẽ chết sau 100 ngày nữa. Cha Mẹ già không có ai phụng dưỡng. Từ đó Tử Kỳ mới ra sức "chạy" mua sách về đọc cả ngày lẫn đêm để mà tìm thuốc "chữa". Tuy nhiên, cuối cùng thì Tử Kỳ cũng không thể vượt qua được "kỳ tử" sau kỳ hạn 100 ngày.

Về sự kiện này thì chỉ còn có mỗi Bá Nha biết được mà thôi. Bởi Bá Nha đã thấu cũng như hiểu được ngón đàn giết người mà mình đang sở hữu suốt bấy lâu trong vô tri. Nay chẳng qua nhờ duyên kỳ ngộ, khéo sắp đặt cho gặp được Tử Kỳ, mới có thể liễu ngộ. Đồng thời chính điều đó cũng ngay lập tức đã đoạt mạng Tử Kỳ. Nỗi lòng này, Bá Nha biết không thể giải bày cùng ai được cả. Bá Nha thể hiện điều đó qua câu thơ "Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ" của mình trong ngày đó rồi vậy. Còn kẻ thứ hai có thể gọi được là "tri âm" để chia sẻ thì... Đã hóa nấm mồ bên bến Hàm Dương mất rồi.

Như tôi đã diễn tả khi Bá Nha liễu ngộ thiên cơ thì hỡi ôi! Và điệu đàn thứ hai mà Bá Nha đàn bên mộ của Tử Kỳ là "Điệu Truy Hồn". Cho nên ta thấy mây đen vần vũ, ai oán, như hồn của Tử Kỳ kéo về... bên mộ. Bá Nha thành tâm tạ tội trước mộ của kẻ Tri Âm.

Và sau đó việc phải làm của Bá Nha chính là ngay lập tức đập bỏ cây đàn này. Bởi Bá Nha không muốn thấy; Rồi sẽ lại một ngày nào đó. Bất chợt trên một uẩn khúc của dòng đời nào đó. Bá Nha lại thêm một lần nữa bị đứt dây đàn.

Bởi có một kẻ ẩn sĩ bất đắc dĩ nào đó nữa, phải "bị nghe trộm" tiếng đàn.
-------------
Ức tích khứ niên thu
Giang biên tằng hội quân
Kim nhật trùng lai phỏng
Bất kiến tri âm nhân
Đãn kiến nhất bôi thổ
Thảm nhiên thương ngã tâm
Thương tâm thương tâm phục

Bất nhẫn lệ phân phân
Lai hoan khứ hà khổ
Giang bạn khởi sầu vân
Tử kỳ tử kỳ hề
Nhĩ ngã thiên kim nghĩa
Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ
Thử khúc chung hề bất phúc đàn
Tam xích dao cầm vị quân tử.

Và...
Suất toái dao cầm phượng vĩ hàn
Tử Kỳ bất tại đối thùy đàm
Đại thiên thế giới giai bằng hữu
Dục mịch tri âm nan thượng nan!

BẢN DỊCH
Nhớ đến mùa thu năm trước
Từng gặp bạn bên bờ sông
Hôm nay trở lại tìm
Không thấy người tri âm
Chỉ thấy một nấm mộ đất
Thảm thiết đau thương lòng ta
Ôi thương tâm! Lại thương tâm!
Không cầm được nước mắt ròng ròng
Vui đến rồi đi, còn lại đau khổ
Mây sầu trổi lên bên ven sông
Tử Kỳ hỡi! Tử Kỳ ơi!
Em và anh có nghĩa ngàn vàng
Dù có đến tận vô bến bờ cũng không nói hết lời
Vậy khúc nhạc này cũng dứt không đàn nữa
Dao cầm ba thước chết luôn theo em.
(Như bài dịch nghĩa trên có đúng hay không? Tự mỗi chúng ta cảm nhận).
---
VÀ ĐÂY LÀ Ý CỦA BÀI THƠ NÀY
Cho dù hàng tỷ năm sau nữa
Cuộc gặp gỡ hội tụ trên sông
Có lập lại giống như hôm nay không
Không thấy có người nào hiểu thấu
Chỉ thấy có một nấm mồ mà thôi
Tự nhiên thảm thương trong tâm ta
Ôi thương tâm! Phục trong tâm!
Không nhẫn tâm được, nước mắt cứ phân trần
Vui đi rồi, đau khổ tới sao
Hồn bạn theo mây gieo sầu trên sông
Tử Kỳ hởi! Tử Kỳ ơi!
Ta nghe câu tình nghĩa tựa thiên kim
Lịch đếm tận chân trời cũng không nói được
Khúc Thử vĩnh viễn không đủ phúc để đàn nữa
BA THƯỚC DAO CẦM VỐN CỦA NGƯỜI QUÂN TỬ.

Tác giả: Phạm Hùng Sơn (Ký sự phía bên kia không gian chiều thứ tư)





KÝ SỰ PHẠM HÙNG SƠN




- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét