📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

[PDF] Âm Phù Kinh - Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ - TẢI SÁCH PDF MIỄN PHÍ





Tựa

Âm Phù Kinh là một quyển sách rất nhỏ của Đạo Lão, tương truyền là do Hoàng Đế (2697-2597) viết. Nhưng có nhiều học giả không công nhận như vậy.

Trình Chính Thúc (Trình Di, Trình Y Xuyên, 1033-1107) cho rằng sách này được viết vào thời Ân (1766-1154) hay thời Chu (1122-255).

Chu Hi (Chu Nguyên Hối, 1130-1200) cho rằng Lý Thuyên, một đạo sĩ đời vua Đường Huyền Tông (713-755) đã ngụy tạo ra.

Chu Hi soạn Âm Phù khảo dị.

Thiệu Khang Tiết (1011-1077) cho rằng Âm Phù Kinh được viết ra vào đời Chiến Quốc.

Đạo tạng có bộ Âm Phù Kinh tập chú do 7 người chú: Y Doãn, Thái Công, Phạm Lãi, Quỉ Cốc Tử, Chư Cát Lượng, Trương Lương, Lý Thuyên.

Trương Quả Lão (một vị trong Bát Tiên đời Đường) cũng có viết Âm Phù Kinh và có dẫn Y Doãn, Thái Công, Chư Cát Lượng, Lý Thuyên.

Lại có bản do 11 người chú: Thái Công, Phạm Lãi, Quỉ Cốc, Trương Lương, Chư Cát Lượng, Lý Thuần Phong, Lý Thuyên, Lý Hiệp, Lý Giám, Lý Duyệt, Dương Thịnh.

- Thạch Đại Dương Nhân Sơn, một người rất giỏi về Đạo Phật, chú Âm Phù theo Phật.

- Lý Gia Du giỏi Dịch giảng Âm Phù theo Dịch.

- Đơn Chân Nhân, Khấu Trương, Trương Quả Lão, Lý Thuyên là các Đạo Gia nên bình Âm Phù theo Lão.

Trịnh Tiều Nghệ Văn cho biết trước sau có 38 bộ Âm Phù Kinh biên soạn thành 51 quyển.

Như vậy mỗi người chú Âm Phù một cách. Binh gia giải theo Binh Gia, Đạo Gia giải theo Đạo Gia, Phật Gia giải theo Phật Gia. Nhưng Âm Phù Kinh vẫn là Âm Phù Kinh.

(Xem Vô Tích Hoàng Nguyên Bính tiên thích, Âm Phù Kinh Chân Thuyên, Tựa)

Tại sao một quyển sách chỉ vẻn vẹn có ba bốn trăm chữ mà được nhiều học giả mê thích như vậy?

Thưa vì nó đưa ra một học thuyết quá hay: Đó là hãy bắt trước Trời mà hành sự thì muôn việc đều hay. (Quan Thiên chi Đạo, chấp Thiên chi hành tận hĩ. 觀 天 之 道 執 天 之 行. 盡 矣.)

Trung Hoa Đạo giáo Đại Từ Điển viết:

«Thánh Nhân quan thiên chi đạo, chấp thiên chi hành, chưởng ốc Thiên Nhân ám hợp chi cơ, xử hành vi hợp hồ Thiên Đạo, bất vi tự nhiên, tắc trị quốc dưỡng sinh các đắc kỳ nghi...»

«Thánh nhân xem Trời, bắt chước Trời hành sự, nếu việc Trời việc người ăn khớp với nhau, làm gì cũng hợp đạo Trời, không làm gì sai trái với tự nhiên, thì trị nước hay tu thân đều tốt đẹp.» (Hoàng Đế Âm Phù Kinh, tr. 332, Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, Hồ Hoài Sâm.)

Xưa nay chỉ có ăn ở theo đúng cơ Trời, thời Trời, là hay, là tốt mà ít ai nhận thấy.

Chúng ta thấy ngày có mặt trời, đêm có mặt trăng. Mà mặt trời thời hằng cửu, bất biến, mặt trăng thì tròn khuyết biến thiên. Mặt trời là Thái Cực, mặt trăng là Âm Dương. Trăng có tròn có khuyết, con người có khi tốt có khi xấu, nhưng lúc chung cuộc phải tiến tới viên mãn như trăng ngày rằm, như mặt trời chính Ngọ. Chu kỳ mặt trăng gồm đủ 64 quẻ Dịch mà chúng ta không thấy.

Mỗi chớp mắt, mở mắt của chúng ta, mỗi một ngày một đêm, mỗi một tháng, mỗi một năm cũng gồm đủ 64 quẻ Dịch. Như vậy rõ ràng là Trời muốn chúng ta sống theo đúng tự nhiên, thì mọi sự sẽ chu toàn.

Ngay quẻ Kiền đã dạy chúng ta phải bắt chước Trời mà hành sự.

Đại Tượng quẻ Kiền viết: Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức 天 行 健. 君 子 以 自 強 不 息:

Trời cao mạnh mẽ xoay vần,

Nên người quân tử quyết tâm tự cường.

(Không hề ngưng nghỉ triển dương)

Câu thứ 4 của Âm Phù Kinh cũng hết sức hay:

Thiên Tính Nhân Dã, Nhân Tâm cơ dã. Lập Thiên chi Đạo dĩ định nhân dã.

(天 性 人 也, 人 心 機 也. 立 天 之 道 以 定 人 也.)

Thiên Tính là người. Nhân Tâm là máy. Lập ra Đạo Trời để xác định (xem) con người (tiến bộ đến đâu.)

Đọc Âm Phù Kinh, tôi mới thấy rõ, Con người chính là Trời (Thiên Tính Nhân dã), còn Con người chỉ là Cái máy. Lập ra đạo Trời, cho thấy đâu là Đạo Người rốt ráo.

Đạo Con Người thật ra là đạo tự nhiên bất biến. Con người sinh ra không phải là để khổ đau, mà chính là để luôn luôn sung sướng. Con người sinh ra cốt là để nhìn thấy trong mình, ngoài mình, đâu đâu cũng là Chân Thiện Mỹ. Con người hiện chưa được vậy, là vì quá ích kỷ và con u mê dốt nát mà thôi.

Gần cuối sách, Âm Phù Kinh lại dạy bài học thứ ba:

Thị cố quân tử tri tự nhiên chi Đạo bất khả vi, nhân nhi chế chi.

(是 故 君 知 自 然 之 道 不 可 違, 因 而 制 之.)

Cho nên người quân tử không thể đi sai Đạo tự nhiên. Chỉ có thể nhân đó biến chế mà thôi.

Xưa nay, người ta thường chống đối với tự nhiên, thích chinh phục thiên nhiên. (Going against Nature, conquering Nature).

Nhưng cũng có người cho rằng cần phải tìm hiểu Tự Nhiên, Hiểu Tự Nhiên là Cứu Rỗi mình (Knowledge of Nature, as a way of Salvation), và chủ trương Theo Thiên Nhiên (Following the way of Nature).

Cũng có người chủ trương theo tự nhiên là chết, đi ngược tự nhiên mới được trường sinh. (Thuận tắc tử, nghịch tắc Tiên).

Biến chế Tự Nhiên Âu Châu dịch là Manipulation of Nature. (Xem Science and Civilisation in China, Vol. V, Joseph Needham, Index, nơi chữ Nature, tr. 541)

Tôi tuyệt đối chủ trương ta không thể sống ngược với Thiên Nhiên được, nhưng phải nương theo Thiên Nhiên mà sống. Nếu dạy người đi ngược chiều hướng này là làm hại người mà thôi. Cho nên tôi hoàn toàn chấp nhận lời trên của Âm Phù Kinh.

Câu Thuận vi Phàm, Nghịch vi Tiên trong các sách luyện đơn là cốt dạy con người đi sâu vào phía Tâm Linh, chứ đừng để Tâm Thần phát tán ra ngoại cảnh, nhất là khi về già. Nghịch đây không phải là đi ngược Thiên Nhiên.

* Chiều đi từ quẻ Phục cho tới quẻ Kiền thường được gọi là Chiều Nghịch. Chiều đi từ quẻ Cấu cho tới quẻ Khôn là chiều Thuận. Thuận là Thuận của phàm nhân; Nghịch là Thuận của Thánh Tiên.

Âm Phù Kinh chủ trương: Bắt chước Trời mà hành sự, theo đúng cơ trời mà biến hóa, như vậy để cầu trường sinh. hay làm cho nước giàu dân mạnh, hay làm cho binh cường tướng mạnh để chiến thắng, tất cả đều là một nguyên tắc. (Quan Thiên chi đạo, chấp cơ đạt biến, dĩ cầu trường sinh, phú quốc an dân, cường binh chiến thắng.) (Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, tr. 332)

Âm Phù Kinh là: «Thánh Nhân Thể Thiên dụng Đạo chi cơ.» (Âm Phù Kinh là sách Thánh Nhân thay Trời dạy huyền cơ Đạo Lý.)

Thánh Nhân dụng tâm hết sức thâm trầm, thấy được Thiên Tính Bản Nhiên của mình, rồi theo đúng cơ vi, sống hợp nhất với lẽ Tự Nhiên. Nhìn vào lòng mình, theo đúng cơ vi Trời Đất, hiểu thế là hiểu rõ Âm Phù Kinh.

«Thánh Nhân dụng tâm Thâm vi, tắc năng chiếu kiến tự nhiên chi tính; chấp cơ biến thông tắc năng khế hợp tự nhiên chi Lý. Chiếu chi dĩ tâm, khế chi dĩ cơ, nhi âm phù chi nghĩa tận hĩ.» (Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, tr. 332)

Thần Trời Đất với Thần trong ta là Một, nên khi hoạt động thời in như thần, khi tĩnh lặng thì có đủ Thần trong mình, mình và Thái Không là Một, mình với vạn hữu là bạn, Thể Tính của mình và Thể Tính của trời đất không có gì khác biệt, thế gọi là Đắc Đạo.

«Thiên Địa chi thần dữ Ngô chi thần đồng vu nhất thể, cố động dữ Thần khế, tĩnh dữ Thần cụ, dữ Thái Không vi nhân, dữ tạo vật giả vi hữu, Thể Tính vô thù, thị vị Đắc Đạo.» (Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, tr. 332)

Âm Phù Kinh dạy ta lẽ Thiên Đạo và Nhân Tâm ám hợp với nhau, và muốn ta sống đúng theo Trời.

«Thiên Đạo Nhân Tâm ám hợp chi lý, dục nhân năng thuận Thiên nhi động.» (Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, tr. 333)

Âm Phù Kinh xưa nay chỉ có hơn 300 chữ hay hơn 400 chữ. (SĐD, tr.333)

Cộng thêm học thuyết Lão là Thanh Tĩnh tự nhiên, thanh tâm quả dục, pha phách thêm Dịch Truyện là thành Thuyết Thiên Đạo, Nhân sự Khế Hợp. (SĐD, tr.333)

Âm Phù Kinh cho rằng Thiên Đạo và Nhân Đạo khế hợp với nhau.

Và giải Âm là Âm, Phù là Phù Hợp. (SĐD, tr. 333)

Âm Phù Kinh đề cao thuyết của Nho Gia là Tồn Thiên Lý, khử Nhân Dục, Tu Tâm, Thành Tính. (SĐD, tr. 334)

«Vạn vật hữu hình viết Âm, Vạn Vật giai hữu Tính Mệnh viết Phù, vạn vật giai hữu Tự Nhiên chi Đạo viết Kinh.» Lại nói: «Âm Phù nhị tự, Thân Tâm dã, Tính Tình dã, Thủy Hoả dã, Thần Khí dã, Diên Hống dã, Long Hổ dã, động tĩnh dã, nãi tu đơn chi căn bản, dưỡng đạo chi uyên nguyên.» (SĐD, tr. 334)

Tôi dịch Âm Phù Kinh vì thấy một quyển sách nhỏ bé như vậy mà sao lại có nhiều danh nhân bình giải như thế.

Tôi thấy những người như Lý Thuyên đời vua Đường Huyền Tông, ưa thích Đạo từ nhỏ, mới đầu Ông có được quyển Hoàng Đế Âm Phù Kinh, Ông đọc cả ngàn lần mà vẫn không hiểu được thâm ý. Theo truyền thuyết thì Ông đã tới Ly Sơn và đã được một bà cụ dạy cho huyền nghĩa Âm Phù, Ông mới hiểu ý nghĩa Âm Phù. Sau đó Ông viết: Hoàng Đế Âm Phù Kinh Sớ, 3 quyển, Thái Bạch Âm Kinh, 10 quyển, Ly Sơn Lão Mẫu truyền Âm Phù huyền nghĩa, 1 quyển. Ông làm quan giữ chức Giang Lăng Tiết Độ Sứ phó Ngự Sử Trung Thừa. Ông là người có mưu lược, sau đó vào danh sơn qui ẩn, phục khí, tịch cốc, thanh tâm tu đạo, không rõ chết ra sao. Ông còn viết thêm ít sách khác. (Xem Du Tấn, Trung Hoa Đạo Giáo Đại Từ Điển, tr. 97) 






- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét