📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

[PDF] Tổng tập văn học Việt Nam (trọn bộ 42 tập) | Một công trình văn hóa lớn | TẢI SÁCH PDF MIỄN PHÍ



Tổng tập văn học Việt Nam

Một công trình văn hóa lớn đã hoàn thành

Cùng với âm nhạc, mỹ thuật và nghệ thuật sân khấu, VĂN HỌC là một trong những sáng tạo đẹp đẽ nhất của con người. Không kể những thần thoại, truyền thuyết có từ thời các vua Hùng dựng nước, Việt Nam ta đã có một nền văn học dài hơn ngàn năm kể từ thời vua Ngô Quyền dựng lại nước.
Văn học nói ở đây là văn học hiểu theo nghĩa rộng vì thời cổ-cận đại từ các vua Hùng trước công nguyên cho đến giữa thế kỷ XX là thời đại văn, sử, triết bất phân, cho nên trong các bộ lịch sử văn học, - bên cạnh những tác gia và tác phẩm thuần túy văn học là đa số,- phải đề cập đến những tác gia và tác phẩm triết học, sử học, địa chí, những tác phẩm có tính chất folklor học, dân tộc học, văn hóa học là một phần quan trọng của di sản tinh thần Việt Nam.
Đến năm 2000, khi loài người và văn hoá nhân loại bước sang thế kỷ và thiên kỷ mới, đông đảo các nhà nghiên cứu, các nhà văn hoá đã hợp tác với nhau trong nhiều năm để hoàn thành một công trình đồ sộ góp phần làm cho thế giới biết rõ hơn bộ mặt của văn hoá văn minh Việt Nam: đó là bộ TỔNG TẬP VĂN HỌC VIỆT NAM gồm 42 tập, tổng cộng hơn 4 vạn trang mà tập cuối cùng đã được công bố vào cuối năm 2000 tại Hà Nội (nhà xuất bản Khoa học xã hội).
Thật ra, gọi đây là Tổng tập văn học Việt Nam thì cũng chưa hoàn toàn chính xác vì công trình đồ sộ này gồm đến 3 bộ:

- Tổng tập văn học Việt Nam thời cổ- cận đại ( bộ I )đề cập đến các tác gia và chứa đựng các tác phẩm từ đời Lý ( thế kỷ XI-XII ) đến 1945 là bộ sách mà ta đang bàn đến;
- Tiếp theo là Tổng tập văn học dân gian Việt Nam ( bộ II ) đề cập đến tác phẩm truyền miệng của 54 dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Bộ này cũng đã được hoàn thành cùng lúc với bộ I nói trên;
- Sau cùng sẽ là Tổng tập văn học Việt Nam thời hiện đại ( bộ III ) sẽ hoàn thành trong những năm tới, đề cập đến các tác gia và chứa đựng các tác phẩm chọn lọc có từ sau 1945 cho đến nay.
Phải có đủ cả 3 bộ thì Tổng tập văn học Việt Nam mới là một tập đại thành trọn vẹn, đúng với tên gọi của nó.
Bây giờ ta hãy xem xét bộ I.
Chỉ cần điểm qua nội dung 42 tập của bộ Tổng tập văn học Việt Nam (thời cổ-cận đại) này cũng sẽ thấy được giá trị và tầm quan trọng của nó.
- Tập 1 (gần 500 trang) dành 200 trang đầu cho bài giới thiệu của Nguyễn Duy Quý, bài tựa của Nguyễn Khánh Toàn, bài bạt của Đặng Thái Mai và đáng chú ý nhất là bài tổng luận về bộ Tổng tập văn hoá Việt Nam của Đinh Gia Khánh. Tiếp đến là phần dành cho văn học đời Lý với 50 tác gia, phần lớn là nhà thơ.
- Tập 2 (hơn 1000 trang) dành cho 22 tác gia thời Trần và 2 tác phẩm Thiền uyển tập anh, Tam tổ thực lục.
- Tập 3 (hơn 1000 trang) dành cho 33 tác gia thời cuối Trần, 7 tác gia thời Hồ và 5 tác phẩm: Đại Việt sử lược, Việt điện u linh, Lĩnh nam chích quái, Nam ông mộng lục và Nam dược thần hiệu.
- Tập 4 (hơn 1000 trang) dành cho văn học thời Lê sơ gắn với tên tuổi Nguyễn Trãi và văn học thời thịnh Lê gắn với Hội Tao đàn và Lê Thánh Tông.
- Tập 5 (gần 1200 trang) dành cho các tác gia cuối triều Lê sơ, triều Mạc và đầu triều Lê Trung Hưng, nổi bật là tên tuổi Nguyễn Bỉnh Khiêm.
- Tập 6 (hơn 800 trang) dành cho các tác gia thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh, chúa Nguyễn.
- Hai tập 7 và 8 (hơn 1400 trang) dành cho các tác gia thời Tây Sơn (Ngô thì Nhậm, Phan Huy Ích, Lê Ngọc Hân...)
- Tập 9 (hơn 1100 trang) dành cho những tác phẩm văn học mang tính sử học và địa chí (Hoan châu Ký, Nam triều công nghiệp diễn chí... )
- Tập 10 (gần 1000 trang) dành cho 24 truyện nôm ở các thế kỷ XVII - XVIII, từ Lâm tuyền kỳ ngộ đến Hồng Hoan lương sử.
- Tập 11 và 12 (hơn 1600 trang) dành cho 17 vở hát bội cổ điển từ Sơn hậu đến Phong ba đình, 13 vở tuồng của Đào Tấn, Nguyễn Hiển Đĩnh, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Bội Châu và 4 vở tuồng đồ khuyết danh mà nổi tiếng là Nghêu, sò, ốc, hến.
- Tập 13 (1400 trang) dành cho các khúc ngâm Chinh phụ, Cung oán, Truyện Kiều, Hoa Tiên, Sơ kính tân trang, Mai đình mộng ký... tiêu biểu cho văn học cổ điển Việt Nam.
- Tập 14, 15 và 16 (hơn 3000 trang) dành cho 75 tác gia từ cuối Lê đến cuối Nguyễn: từ Lê Quý Đôn đến Nguyễn Đình chiểu.
- Tập 17 (hơn 600 trang) dành cho các tác gia thời Cần Vương từ Tôn Thất Thuyết đến Nguyễn Quang Bính.
- Hai tập 18 và 19 (hơn 1800 trang) dành cho các tác gia dùng văn học yêu nước đầu thế kỷ XX Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...
-Tập 20 (gần 1200 trang) dành cho các tác gia văn học và các nhà nghiên cứu văn hoá cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX : Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của.
- Tập 21 (hơn 1000 trang) dành cho văn học báo chí cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX: từ Nông cổ mín đàm, Nam Phong đến Tri Tân, Thanh Nghị...
- Hai tập 22 và 23 (hơn 2500 trang) dành cho các nhà nghiên cứu văn học và văn hoá nửa đầu thế kỷ XX : từ Phan Kế Bính, Vũ Ngọc Phan đến Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi...
- Tập 24 (hơn 1100 trang) dành cho 16 kịch tác gia nửa đầu thế kỷ XX từ Vũ Đình Long, Vi Huyền Đắc đến Đoàn Phú Tứ, Huy Thông...
- Tập 25 (gần 700 trang) dành cho 50 nhà "thơ mới" từ Thế Lữ đến T.T.Kh
- Tám tập từ 26 đến 33 (gần 8000 trang) dành cho 48 nhà văn trong và ngoài Tự lực Văn đoàn từ Khái Hưng, Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng đến Nam Cao, Nguyên Hồng...
- Năm tập từ 34 đến 38(gần 4000 trang) dành cho các tác gia văn học cách mạng từ Tố Hữu đến Hồ Chí Minh.
- Ba tập từ 39 đế 41 (gần 2700 trang) dành cho các truyền thuyết, luật tục, truyện thơ, tình ca, trường ca của các dân tộc thiểu số : Tày, Nùng, Thái, Mường, E đê đến Khơ me...
- Cuối cùng, tập 42 là tập sách dẫn cho 41 tập của Bộ sách, gồm tổng mục lục, sách dẫn tên tác giả, sách dẫn tên tác phẩm.

Hơn 1000 năm văn học của người Việt và nhiều dân tộc anh em khác được tập hợp trong hơn 4 vạn trang sách của bộ Tổng tập văn học Việt Nam thời cổ-cận đại này đã làm nên xuất bản phẩm đồ sộ nhất mà trí tuệ Việt Nam đã thực hiện thành công vào năm 2000, làm cho con người Việt Nam thế kỷ XXI và con cháu ta ở thiên kỷ III thêm tự hào về ông cha, về dân tộc, văn hoá, văn minh Việt Nam.

Bản quyền của bài viết thuộc tác giả Lê Văn Hảo





- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét