📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

QUY TẮC GIỮ KHOẢNG CÁCH KHI VIẾT CHỮ VIỆT


Một số hội viên viết bài văn xuôi, hay những lời gợi ý, chia sẻ, bàn luận sau các bài viết..., không giữ khoảng cách giữa hai dấu kết thúc một phân đoạn, hay một câu văn như: dấu chấm (.), dấu chấm hỏi (?), dấu chấm than (!), dấu ba chấm (...), dấu gạch nối (-), dấu gạch ngang (_)...

Việc viết dính liền với chữ kế tiếp sau các dấu này khiến cho hình thức bài viết, câu văn, nhìn rất rối mắt, và không sáng sủa. Người xưa nói: “Hình thức chuyên chở nội dung” không sai. Một bài văn sẽ kém hay khi hình thức trình bày rối rắm, vô trật tự.

Chúng tôi xin nhắc lại vài QUY TẮC CĂN BẢN khi đặt dấu như sau:


1- Tất cả các dấu, bao gồm chấm than và chấm hỏi, đều phải đặt sát ngay vào chữ cuối cùng, không có khoảng cách

Thí dụ 1:

SAI: Anh chị đi chơi đâu ? (có khoảng cách giữa chữ cuối và dấu chấm hỏi)

ĐÚNG: Anh chị đi chơi đâu? (dấu chấm hỏi phải đặt sát chữ cuối cùng)

Thí dụ 2:

SAI: Sao lúc này tôi mệt mỏi quá !

ĐÚNG: Sao lúc này tôi mệt mỏi quá!

Thí dụ 3:

SAI: Ràng là chữ cổ,có nghĩa là chuồng,tổ . Một số nơi vẫn còn dùng chữ "ràng trâu" để chỉ chuồng trâu.

ĐÚNG: Ràng là chữ cổ, có nghĩa là chuồng, tổ. Một số nơi vẫn còn dùng chữ "ràng trâu" để chỉ chuồng trâu.


2- Luôn luôn có một khoảng cách SAU một dấu câu (dấu phẩy, chấm, chấm phẩy, dấu hai chấm), không phải trước dấu câu

Thí dụ:

SAI: Chúng ta đến đây để học,hiểu và viết chữ Việt đúng cách .

ĐÚNG: chúng ta đến đây để học, hiểu và viết chữ Việt đúng cách.


3- Các dấu ngoặc đơn () và ngoặc kép “ ” phải dính sát với câu văn bên trong

Thí dụ 1:

SAI: Không nên viết lối cười dơ bẩn " kakaka " hay " kk ".

ĐÚNG: Không nên viết lối cười dơ bẩn "kakaka" hay "kk".

Thí dụ 2:

SAI: Má của cháu tên Chiêu,tuổi Mẹo ( Kỷ mão )

ĐÚNG: MÁ của cháu tên Chiêu, tuổi Mẹo (Kỷ mão)


4- Khi dùng dấu gạch nối và gạch ngang nối hai chữ

a- Dấu gạch nối (-), ngắn, đặt giữa các chữ của một từ, không bấm cách khoảng.

Thí dụ:

SAI: Tiếng Việt chúng ta có "kí - lô", "gam", "mét", "đề - xi - mét", "xăng - ti - mét" ...,

ĐÚNG: Tiếng Việt chúng ta có "kí-lô", "gam", "mét", "đề-xi-mét", "xăng-ti-mét"...,

b- Gạch ngang dài hơn, là dấu câu dành cho toàn câu văn, không phải dấu gạch nối dành cho một từ như trên, phải bấm cách khoảng rời ra giữa hai chữ trước và sau nó.

Thí dụ:

SAI: Hoa Thịnh Đốn–Thủ đô của nước Hoa Kỳ

ĐÚNG: Hoa Thịnh Đốn – Thủ đô của nước Hoa Kỳ

Ghi nhớ: gạch nối (-) khác với gạch ngang (–)

*LƯU Ý: Bốn quy tắc trên theo chính xác tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta cần phải giữ đúng khi viết bài.

Cám ơn các bạn đã đọc

Ngọc Anh – Quốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến






- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét