📢 Bài mới

6/recent/ticker-posts

(Ký sự Phạm Hùng Sơn) Phần 3.10 - KHỔNG - LÃO VỚI KINH DỊCH | Ký sự phía bên kia không gian chiều thứ tư


Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung, đưa ký ức chúng ta dừng lại tham khảo cận cảnh của nhân vật Tảo Địa Tăng. Một người phu quét lá nơi Phật xứ địa phương; Tàng Kinh Các!


Phân khúc này của Kim Dung (Thiên Long Bát Bộ) là có ý nhắc đến sự nhùng nhằng nội bộ giữa hậu thế của Hoàng Đế và Phục Hy xưa kia. Vì thế sẽ có các nhân vật như Tiêu Phong và Tiêu Viễn Sơn (Tiêu Khúc). Dĩ nhiên Tiêu Viễn Sơn (Cung Cấn) là cha, di dịch tiếp đời sau đến Tiêu Phong (Cung Tốn) là con, không khác được. Và Kim Dung đủ để cười ngạo khắp thiên hạ xưa nay qua tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ là hoàn toàn có cơ sở để... cười ngạo.

Bởi Kim Dung đã hợp tấu giữa Tiêu Khúc và Dao Cầm. Một tuyệt kỹ truyền kỳ bị vùi lấp của Ma Đạo (Xích Quỷ). Trong khi những ai xưa nay được tôn là quân Tử Kiếm thì..., độc giả hiểu rồi, tôi miễn bàn đến.

Sở dĩ tôi cho quay chậm cận cảnh của thước phim này bởi: Kim Dung muốn mô phỏng lại nhân vật quét lá nơi Tàng Kinh Các đó chính là hình ảnh của Lão Tử khi xưa!

Ngay lập tức, hồi ức vén bức màn nhung của sân khấu thời Đông Chu. Phía sau "cánh gà"; Lão Tử chính là kẻ giữ Tàng Kinh Thư của Nhà Chu. Một Tảo Địa Tiên mà Kim Dung đã phát hiện! Cao thủ tiềm ẩn trong toàn cõi của "Quần Hùng Chư Tử" ngày đó (Bách Gia Chư Tử).

Phải! Chính lão Tử chứ không hề là một ai khác, kẻ đã giữ Tàng Thư của Nhà Chu. Tất cả những ai còn lại trong giai đoạn đó. Có cho dù là hàng vương tôn tử thất gì gì đó, đều là chi tiết. Sao có thể hiểu biết được bao nhiêu bí ẩn gì, về Kinh Dịch đang tiềm ẩn trong Tàng Thư của Nhà Chu?

Cái loạn Thời Đông Chu là phản ảnh tất yếu từ mầm mống của cái cội rễ "Trăm Nhà Đua Tiếng"... tranh cãi!! Tranh cãi về học thuật của Kinh Dịch, một kỳ thư vốn được liệt vào hàng đầu của Kinh Điển (Quần Kinh Chư Thủ). Họ tỏ ra hiểu biết ( !? ) về một điều mà chưa bao giờ được biết, đó là Thiên Thư. Bởi khả năng của họ chỉ có thể cao lắm là vươn đến Văn U Mặc mà thôi. Thế nhưng, Thiên Thư lại hoàn toàn ở vào một đẳng cấp ta có thể gọi là "thoát đỉnh" tư duy của nhân loại, mọi đương thời.

Như tôi đã có từng lướt qua trong bài viết Hội Long Hoa. Ta nghĩ gì về một thí sinh bước vào trường trời mà lại không biết đọc một chữ nào của sách trời (Thiên Thư) !?. Thiên hạ chúng ta xưa nay thường diễn mãi cảnh bi hài thế đấy. Cận cảnh xã hội hôm nay lại càng gây kinh ngạc hơn khi bói quẻ, bình phẩm về lĩnh vực này. Một lĩnh vực đang còn ở phía bên kia của không gian chiều thứ tư!?

Không khéo, nhưng mọi sự đã rồi!
Bởi xã hội đương đại của chúng ta đang "nhại diễn" lại "vỡ, bi hài kịch" thời loạn Đông Chu đó khi đụng đến Kinh Dịch! Ta nghĩ gì khi những diễn viên của quá khứ đó đã đạt tới trình độ của Văn U Mặc. Trong khi những vai diễn trong thì hiện tại, hoàn toàn thiếu vắng nền tảng của văn học, kể từ khi đất nước thống nhất (1975)? Bởi Văn Học hiện nay chưa đủ nhiều, để yếu tố giai đoạn phát triển nhân đó mà sinh ra những "cây bút bình luận văn học". Trình tự phát triển đó sẽ có mô hình như sau:

Khi tư duy văn học cắm sâu cội rễ... Ắt sẽ nảy mầm ra các nhà bình luận văn học là tất yếu. Đó chính là yếu tố mà giai đoạn lịch sử cần phải hội đủ.

Lúc các mầm này phát triển xum xuê..., cành nhánh sẽ phân bổ cao thấp qua ánh dương của ngôn từ triết học, để bình luận tác phẩm văn học nào đủ chuẩn, kết tinh thành Triết Học. Và rồi tinh hoa của triết học nở rộ. Đó là lúc để các Triết Gia cất tiếng khóc chào đời cùng thế sự. Việc hiện diện của các triết gia, mới có đủ khả năng để tạo ra triết học cho đời được. Và rồi sự "dậy thì" của tư tưởng triết học phương Tây với ngôn ngữ "Mặc Định" hiện nay. Nhất định phải hợp hôn cùng tư tưởng "trưởng thành" của triết học phương đông là "Văn U Mặc". Tương lai của sự kết tinh đó, mới có thể thai nghén ra nhân tố có thể thâm nhập vùng lãnh thiên của Thiên Thư được. Do những tư duy, ngôn ngữ U Mặc trước đây chưa có thể lĩnh hội toàn diện Thiên Thư. Bởi thiếu nền tảng của tư duy, ngôn ngữ Mặc Định của phương Tây. Bằng không, nhân loại chúng ta đã hiện diện trước vùng đất của địa đàng rồi.

Những diễn viên hôm nay, đang diễn lại vở bi hài của hôm qua đối với Kinh Dịch, có dạng như... "thoát đỉnh bi hài" rồi vậy. Vì thế, ta nên cẩn thận lời một tí khi bình phẩm, hoặc nhất là chê bai Kinh Dịch.

Thôi chết! Tôi lạc đề tài một cách nhất thiết rồi! Ta cùng quay lại nhé:

Ta sẽ dễ dàng nhận thấy; Cả một đời, Lão Tử đã quét biết bao lớp bụi thời gian, che phủ lấp những giá trị thực tại tiềm ẩn phía sau Kinh Dịch trong tàng thư của Nhà Chu. Những tâm tư uẩn khúc đó, Lão Tử đã dùng uẩn ngữ, mặc định trong Đạo Đức Kinh; Kỳ vọng gửi đến miền ánh sáng của tư duy vùng viễn lai nào đó...?, một cách miên du...

Tôi khẳng định tọa độ địa phương đó, có tên page này.
Để có thể xem xét một người, ta dựa trên 3 yếu tố căn bản:
1. Tư tưởng.
2. Lời nói.
3. Việc làm.
Yếu tố thứ nhất đã thể hiện trong Đạo Đức Kinh. Sách thì có sẵn, tuy nhiên để hiểu được nó thì cả là một vấn đề nan giải xưa nay. Cho dù có là một học giả đi chăng nữa, nhất định từ biết tới hiểu không có thể san bằng trong một sớm một chiều cho được. Chính yếu tố đó gây cho tác phẩm có một giá trị như ma lực, trường tồn với thời gian. Khiến nên biết bao thế hệ vẫn cạn mực chứ chưa có thể bàn luận cạn ý được. Thế nên tác phẩm vẫn cứ mãi sống... Chờ đợi giai đoạn của tư tưởng thế hệ tương lai nữa, cứ thế...

Điều kiện thứ hai được xem đến là: Tạm đơn cử như hai chữ "Vô Vi" thôi. Cái giá trị này, đã 2500 năm qua rồi. Vẫn thể hiện tuyệt đối tính Vô Vi! Đối với bất kỳ giai đoạn phát triển nào mà nhân loại chúng ta đã từng trải qua. Dĩ nhiên thoảng hoặc một, hai thời điểm bất kỳ. Bất chợt lóe lên một ánh đom đóm le lói nào đó giữa đêm trường sâu thẳm của tư duy chung. Ngay lập tức nhân vật đó đặc tả điều vô vi này thể hiện một cách... "vô vi tính" !?. Có thể điển hình: Trần Đoàn! Một kẻ đến cuối đời, phải trốn vào rừng, làm bạn với Quỷ Núi và cải hiệu là; Đồ Nam!

Vấn đề xem xét cuối cùng đòi hỏi:
Ta thấy Lão Tử chỉ nằng nặc một mực Tu Tiên cho bằng được! Bất kỳ ai đó, một khi biết và chợt hốt ngộ được giá trị của Kinh Dịch. Họ thường phản ảnh là một con tàu tư duy, chìm đắm trong biển cả hoang mang. Họ chỉ âm thầm, lẵng lặng vận dụng với tất cả khả năng có thể mà Định Mệnh đã đặt để cho họ. Những người này thường hướng theo một quan điểm duy nhất đó là; Đạo - Đức. Với tất cả kỳ vọng trong thời kỳ cuối của tương lai; Có giảm án được phần nào đó trước tòa công luận, cho những gì mà giống nòi xưa đã từng nặng gieo. Và với một tinh thần bất biến tuyệt đối cho lập trường: Kinh Dịch không hề là sách để bói toán như thiên hạ làm loạn xưa nay. Dĩ nhiên, lĩnh vực Bói Dịch nói chung, chúng ta không đào đâu ra bóng dáng của họ lai vãng, dù chỉ một dấu chân tình cờ bước qua.

Tất nhiên, giữa biết bao quần hào tranh tiếng khi ấy, trong mắt họ: Lão Tử chỉ là một kẻ quét rác nơi tàng kinh các mà thôi! Thế nhưng, hễ "hữu xạ, tự nhiên hương". Cho nên ta nhận thấy có trang sử hiếm, mô tả chi tiết cảnh Khổng Tử cầu kiến Lão Tử ngay sau khi rơi vào hoàn cảnh. Trong thoáng mờ nhân ảnh của thời điểm đó; Hồ như đâu đó, không xác định được như có như không... Một "dị cuồng", nghêu ngao trong hơi gió vài ba lời rồ dại, mà khai ngộ cho Khổng Tử! Kẻ đó, trong đáy mắt của thế nhân, cho mãi tận hôm nay, vẫn kinh mạn với cách gọi: "Kẻ Cuồng Nước Sở; Tiếp Dư"...!? Kim Dung không đủ để nhìn ra còn có kẻ không màng quét cả bụi đời nữa rồi.

Xem ra; Ẩn giữa chốn núi rừng là Đại Ẩn. Ẩn giữa triều đình thuộc Tiểu Ần. Thế ẩn giữa chợ đời ắt hẳn là hạng Trung Ẩn rồi vậy. Xem ra hạng trung ẩn cỡ như Tiếp Dư, chỉ có thể đếm không kín lòng bàn tay xưa nay. Tuy nhiên nếu để so sánh những kẻ trung ẩn, dở rồ dại, dở thấu cơ trời thời loạn ấy. Hai tộc Hoàng Đế lẫn Phục Hy tuyệt không theo kịp tộc Xi Vưu rồi. Tôi có thể điển hình trong giới hạn lịch sử gần, cho người người dễ biết như: Tâm Trai Như Ý Thiền (Nguyễn Gia Thiều), rồi... Kẻ Khùng Bán Khoai vùng Bửu Sơn chẳng hạn. Tuyệt đối Kẻ Cuồng Tiếp Dư không theo cho kịp rồi. Đó là tác giả chưa có thể nhắc đến một ngọn đuốc điên rực rỡ ( ! ), vừa tắt lịm quanh rẻo thời đâu đây...

Như tác giả từng đã có bứt mây đâu đó trong một vài bài trước, vẫn chưa thấy hiện tượng động rừng (!?), cho tới lúc gõ hai chấm xuống dòng:

... Sau khi được Kẻ Cuồng Nước Sở làm cho tỉnh ngộ. Khổng Tử đã vội quay về mở trường dạy học. Song song với việc mày mò Dao Cầm để cho ra đời Kinh Nhạc, Khổng Tử cũng lục lọi, chế tác Kinh Dịch! Thế nhưng, Kinh Dịch nguyên bản gốc của Chiến Thần Xi Vưu khi xưa với 5 loại binh khí hóa thân từ Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Nay lại được Khổng Tử gọt dũa ra Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín! Ta thấy Lão Tử đã sở hữu hai thành tố Đạo - Đức mất đi rồi. Tất nhiên Khổng Tử phải rơi vào hố khiếm khuyết đấy là không tránh khỏi. Những việc làm đó đã phản ảnh như sau:

Đương thời, Khổng Tử thường mang Quẻ Dịch ra bói..., rồi cùng bàn luận chung với học trò. Ta thấy duy nhất có Tử Lộ là xuất sắc hơn tất cả. Bởi Tử Lộ luôn tỏ ra nhởn nhơ, và cũng luôn luôn có luận giải giá trị nhất! Khả năng Khổng Tử không thể theo kịp Tử Lộ rất nhiều và rất nhiều sự việc khác nữa. Đó là những việc nội bộ riêng của Đạo Giáo, tôi không tiện nhiều chuyện, khi không liên can đến đề tài đang viết. Chỉ nhắc chung lưu ý rằng: Không phải ngẫu nhiên mà Tử Lộ lại có đủ tâm tư mà thiết kế nên "Thuyết Chính Danh" thành một công trình đi vào sử sách như thế.

Khả năng đã không kịp theo học trò, chưa kể đến bao kỳ nhân, dị sĩ đang tiềm ẩn trong đương thời ở bên ngoài. Vậy mà Khổng Tử đã vội cầm bút viết Thập Dực cho Kinh Dịch!? Điều này có nghĩa là Khổng Tử đã "vẽ" thêm cho "hổ mười cánh" nữa!! Tôi đã rất lấy làm ngạc nhiên vô cùng! Bởi một con người như Khổng Tử sao lại có thể, trong nhất thời lại đi vẽ rắn thêm chân làm vậy cho được!? Giá như ngày đó, Khổng Tử chịu yên phận trong phạm vi học thuyết Nhân Đạo của mình thì hay biết mấy. Đằng này Khổng Tử đã lấn sân sang Thiên Đạo, vốn là lãnh địa của Lão Tử đã dày công canh tác và khai thác trọn một đời rồi. Những thành quả mà Lão Tử đã gặt hái được từ Kinh Dịch, ta cũng đã từng được biết qua cả rồi. Đặc biệt, Lão Tử không hề dám thêm bớt một câu gì cho Kinh Dịch cả. Bởi Lão Tử có biết và hiểu về kỳ thư này, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Ta xét thấy trong thời gian soạn Thập Dực. Khổng Tử luôn treo bút ngừng viết, mỗi khi thấy có hiện tượng như Quạ kêu, Nhện sa trước mặt. Qua bốn ngày sau mới trai giới, xông hương mà cầm bút viết lại. Điều đó phản ảnh cho ta biết là Khổng Tử đã rơi vào mê tín mất đi rồi vậy. Không như những kẻ mông muội về sau, ca tụng là Khổng Tử thành tâm khi soạn Thập Dực, nên mới có những hành động như thế!

Thế rồi, trong một ngày. Khổng Tử ngồi khảy đàn Dao Cầm giải khuây... Bất chợt Nhan Hồi đi vào và đàn đứt dây...! ... !!. Đó là khúc nhạc tả cảnh Mèo bắt Chuột "!?". Khổng Tử đã chạm đúng vào dây thứ 6 của Dao Cầm!!.

Ta thấy khi Khổng Tử cuống cuồng lục Kinh Dịch đến ba lần, khiến đứt cả lề và luôn miệng thốt lên: Trời không cho ta sống thêm vài năm nữa để học Dịch?! Ta cũng nên biết: Kinh Dịch vốn được kết lề bằng da dê đấy. Khổng Tử lục Kinh Dịch đến hoảng loạn như thế để làm gì!? Tôi đã từng giải thích việc làm đó cùng độc giả rồi. Vì khi ta bước vào thế giới Kinh Dịch một cách nghiêm túc nhất. Đó hẳn là Y Học. Nhất định là Khổng Tử tìm thuốc chữa, cho kịp kỳ hạn 100 ngày rồi vậy.

Trước khi chết 3 ngày. Thiên hạ nghĩ rằng Khổng Tử đã phát rồ !? Bởi Khổng Tử cứ chống gậy lập cập đi tới, đi lui trước sân mà miệng cứ lẫm bẫm mãi câu: "Có tội với người thì chuộc được. Có tội với trời thì làm sao chuộc được" ?. Kỳ thực! Khổng tử vẫn thể hiện một tư duy sáng suốt nhất cho tới khi trút hơi thở cuối cùng, chứ không phát rồ như mọi người lầm tưởng khi đấy. Bởi trước khi chết, người ta luôn bất chợt thấu thiên cơ. Điều đó người Việt thường gọi là "thoát dương".

Khổng tử chết không nhắm mắt, bởi chưa kịp phi tang Thập Dực với Kinh Dịch, như đã từng kịp làm, đối với Kinh Nhạc của Dao Cầm. Khổng Tử chỉ kịp trăn trối lại (không biết với ai cho được) rằng:

"Chẳng lẻ cây bách tùng đổ sao? Chẳng lẽ trời hại người hiền sao?". "Có tội với người thì còn chuộc được. Có tội với trời thì làm sao chuộc đây?". Đã 2500 năm qua, tiếng vọng thảm thương đó vẫn rền bên tai. Thế nhân muôn kiếp qua, vẫn thản nhiên và..., ca tụng !?

Những điều bí ẩn đấy đã được ghi vào cuốn lịch sử của cõi trời, đó chính là; Thiên Thư.

Kể từ ngày "Tảo Địa Tiên" bỏ quét bụi chốn Tàng Kinh Thư của Nhà Chu. Lão Tử đã trốn tận chốn thâm u của rừng sâu núi thẫm. Tiếp tục "quét bụi chốn tiên bồng". Lúc này là dùng phất trần, thay cho chổi mà quét bụi tiên, giữa cõi rừng hoang rồi. Sự kiện lẫn những việc làm của Khổng Tử vẫn nhuốm đến tai.

Chán quá! Lão Tử thốt lên: "Thôi! Ta thấy không có thể nói cùng thiên hạ được rồi. Ta về trời vậy". Và sau đó, Lão Tử đã cưỡi Trâu Xanh cùng về trời. Bởi Trâu chính là linh vật tổ của họ mà. Đâu có thể cưỡi bất kỳ linh vật nào khác cho được.

Khi hai cánh cửa của địa phương Bách Gia khép. Tư tưởng Đông Chu đại loạn. Tần Thủy Hoàng đã từng thốt lên như thế này:

Thiên hạ đại loạn, mỗi người một sách, không ai chịu nghe ai cả. Cứ đánh nhau triền miên, gây cảnh đổ nát, tang thương hàng trăm năm mà không ai thắng ai cả. Khiến nhà nhà li tán, cha mất con, vợ xa chồng, ruộng bỏ hoang. Nhưng đó là những kẻ ác. Mà nếu dẹp được kẻ ác, ta phải ác hơn mới có thể dẹp được. Ắt khó tránh khỏi mang tiếng thị phi với đời sau rồi. Ta bất đắc dĩ mới phải khởi binh để dẹp loạn mà thôi. Nếu ta không làm, thì ai làm?

Thế thì ta phải dò xem trong thời Nhà Tần, số phận Kinh Dịch ra sao trong bài tiếp theo vậy.
Đúng là một... Lạc thư

Tác giả: Phạm Hùng Sơn (Ký sự phía bên kia không gian chiều thứ tư)

KÝ SỰ PHẠM HÙNG SƠN




- Hỗ trợ Dân tộc King -

Đăng nhận xét

0 Nhận xét